Sunday, November 24, 2024

Giải pháp cho thực phẩm không tiêu thụ hết tại Việt Nam

Thực phẩm dư không tiêu thụ hết tại các cửa hàng thay vì bỏ đi, lãng phí, sẽ được góp vào Food Bank Việt Nam (ngân hàng thực phẩm dành cho người có hoàn cảnh khó khăn) để mang tới các mái ấm, nhà mở, trung tâm hỗ trợ người nghèo.

Sáng 22.8, Food Bank Việt Nam và Công ty TNHH thực phẩm & nước giải khát Ý tưởng Việt (Starbucks Việt Nam) ký kết thỏa thuận hợp tác, nhằm nâng cao nhận thức về việc giảm lãng phí thực phẩm và hỗ trợ thực phẩm chất lượng đến những người có nhu cầu trong xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam cho biết, qua hơn 1 tháng thí điểm, mỗi tối Food Bank Việt Nam đã đến các cửa hàng của Starbucks Việt Nam để nhận thực phẩm không tiêu thụ hết. Thay vì số lượng bánh rất lớn phải tiêu hủy thì Food Bank Việt Nam sẽ quyên góp đến các mái ấm, phát cho người lang thang, vô gia cư…

Giải pháp cho thực phẩm không tiêu thụ hết tại Việt Nam

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam chia sẻ tại chương trình

“Đây là việc làm ý nghĩa đối với người có hoàn cảnh khó khăn và mang lại cùng lúc nhiều lợi ích. Đầu tiên là chống lãng phí thực phẩm. Bất kỳ loại thực phẩm nào doanh nghiệp sản xuất đều muốn được tiêu thụ, nhưng sẽ có lúc hoạt động thương mại không được như ý muốn. Hiện nay trên thế giới có 1/3 lượng rác thải nằm ở các bãi rác là rác thải thực phẩm, làm cho lượng khí thải bốc ra rất nhiều, việc tiêu thụ thực phẩm sẽ giúp giảm lượng phát thải”, ông Khởi cho biết.

Giải pháp cho thực phẩm không tiêu thụ hết tại Việt Nam
Giải pháp cho thực phẩm không tiêu thụ hết tại Việt Nam

Hơn 1 tháng qua, đội ngũ Food Bank Việt Nam đến các cửa hàng Starbucks Việt Nam nhận bánh, đem phát cho người vô gia cư vào mỗi tối

Cũng theo ông Khởi, lượng thực phẩm không tiêu thụ hết từ những công ty sản xuất lớn, siêu thị, cửa hàng… là con số khổng lồ. Trong khi đó, thế giới vẫn còn 1 tỉ người đói không thể tiếp cận được những thực phẩm được trao tặng này.

Thời gian qua, Food Bank Việt Nam đã phối hợp nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và các hệ thống siêu thị, đơn vị phân phối thực phẩm… đưa thực phẩm đến 600 bếp ăn, mái ấm, nhà mở tại Việt Nam.

Chủ tịch Food Bank Việt Nam mong muốn sắp tới có thể xây dựng nền tảng về công nghệ để kết nối được những nơi người dân có hoàn cảnh khó khăn được mua thực phẩm với giá hỗ trợ. Đồng thời mong muốn đến năm 2030 Việt Nam có được hành lang pháp lý về chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm.

Giải pháp cho thực phẩm không tiêu thụ hết tại Việt Nam

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam (áo trắng, bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam ký chương trình hợp tác

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, cho biết việc hợp tác lần này với Food Bank Việt Nam là bước đầu tiên trong chương trình hỗ trợ các cộng đồng gặp khó khăn về lương thực của Starbucks Việt Nam. Trước đó, Starbucks Việt Nam đã lắp đặt nhiều tháp nước lọc tại các tỉnh ở Việt Nam, thực hiện chiến dịch giảm rác thải nhựa…

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) báo cáo rằng 1/3 lương thực trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, gây thiệt hại gần 1.000 tỉ USD mỗi năm. Một cuộc khảo sát được thực hiện trên 4.000 hộ gia đình ở 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm.

Food Bank Việt Nam là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với sứ mệnh cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế và thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm.

Food Bank Việt Nam ra đời từ năm 2016, hiện là thành viên của mạng lưới Food Bank toàn cầu với 53 nước thành viên. Tại Việt Nam, Food Bank hoạt động với sự bảo trợ của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img