>>Người dân mua xe điện sẽ được hỗ trợ tiền?

Một loạt ưu đãi đối với sản xuất, lắp ráp và sử dụng ô tô điện được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất để chuyển đổi sang giao thông xanh vào năm 2050 đã không nhận được sự đồng tình từ Bộ Tài chính.

Không đồng tình

Tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Dự thảo gửi các bộ, ngành, hiệp hội lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra đề xuất ưu đãi tổng thể về quy định pháp luật; tài chính, đầu tư; nhập khẩu; khai thác vận hành.

Nổi bật là các chính sách như: bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào nhóm ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư; miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, ưu đãi tiếp cận tín dụng, miễn giảm phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số.

Hỗ trợ giá bán điện cho các trạm sạc; thu phí khí thải với các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch; tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông với xe điện; hỗ trợ kinh phí với công tác nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện…

Hy vọng người dân được hỗ trợ tiền mua xe điện "vừa lóe lên đã vụt tắt"?

Hy vọng người dân được hỗ trợ tiền mua xe điện “vừa lóe lên đã vụt tắt”? (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhiều đề xuất đã không nhận được sự đồng tình từ Bộ Tài chính. Theo Bộ Tài chính, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghệ hỗ trợ ô tô, bao gồm cả các  sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao. Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện, cần có thời gian tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, trước khi đặt vấn đề bổ sung các chính sách mới.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ôtô điện tại dự thảo báo cáo mà chỉ nên đề xuất theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ô tô điện đã được ban hành, đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách này để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, hỗ trợ tài chính người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp, vì những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội, theo Bộ Tài chính.

Không chung tầm nhìn

>>Công nghiệp ô tô – Bài 9: Kỷ nguyên xe điện, xây dựng nền tảng để “cất cánh”

Trao đổi với Diễn Đàn Doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho biết, dự thảo chính sách ưu đãi với xe điện, do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, trên thực tế đều là những chính sách đang được nhiều quốc gia áp dụng, để khuyến khích chuyển đổi sang giao thông xanh. Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và tiếp thu, rồi xây dựng thành hệ thống các chính sách đề xuất.

Trong khi các nước đã ban hành và áp dụng thì đến nay tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải mới đề xuất. Như vậy vốn đã rất chậm so với các nước khác rồi. Không những thế nhiều đề xuất quan trọng còn bị bác bỏ, có thể nói là chính sách khyến khích phát triển xe điện của Việt Nam không bằng so với các nước khác, sẽ không hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Hy vọng người dân được hỗ trợ tiền mua xe điện "vừa lóe lên đã vụt tắt"?

Chính sách khuyến khích phát  triển xe điện của Việt Nam vừa chậm vừa thiếu hấp dẫn. (Ảnh minh họa)

Về việc hỗ trợ mỗi người mua xe điện 1.000 USD, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang giao thông xanh, không nên hiểu hỗ trợ chỉ dành cho người nghèo, cho những vùng khó khăn như tư duy của Bộ Tài chính. Từ nhiều năm qua, một loạt các quốc gia đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi snang xe điện và số tiền cao hơn con số Bộ Giao thông Vận tải đề nghị nhiều lần.

Hỗ trợ sẽ được gì? Theo ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Motors TMT, việc hỗ trợ nhằm mục đích để kích cầu tiêu dùng. Khi có nhiều người mua xe điện, quy mô thị trường sẽ tăng lên, giúp ngành công nghiệp ô tô điện phát triển, như vậy sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách, nâng tầm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ban đầu bỏ ra, nhưng sau này sẽ thu lại gấp nhiều lần khi ngành sản xuất xe điện phát triển.

Tại Trung Quốc từ năm 2010 Chính phủ chi ra hơn 20 tỷ USD mỗi năm để khuyến khích phát triển ô tô điện. Không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân chuyển đổi sang xe điện. Nhờ vậy, đến nay đã tạo ra thị trường ô tô điện phát triển nhất thế giới và vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ô tô điện. Qua đó thu được lợi ích rất lớn. Như vậy, hỗ trợ cho người dân mua xe điện phải có tầm nhìn xa, vừa giúp chuyển đổi sang giao thông xanh vừa tạo ra ngành công nghiệp hùng mạnh.