Saturday, July 27, 2024

Giải mã ý định của Nga khi quyết tâm giữ vững thế phòng thủ ở Ukraine

Giới phân tích cho rằng, Nga có 4 mục tiêu chính khi cố gắng “đào sâu bám rễ” trên trận địa, nhằm duy trì thế phòng thủ trong thời gian dài ngay sau khi Ukraine phát động cuộc phản công vào tháng 6.

Sau thời gian dài lên kế hoạch kỹ lưỡng, vào tháng 6/2023, quân đội Ukraine đã phát động cuộc phản công lớn, tập trung phần lớn lực lượng tiến đánh Donetsk và Zaporizhzhia. Khác với những cuộc phản công vào năm 2022, lần này Nga đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Nếu như ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các cuộc phản công của Ukraine đã gây bất ngờ cho Nga, khiến Moscow phải rút lui khỏi một số khu vực thì ở nhưng giai đoạn tiếp theo, Nga dường như đã dự đoán được động thái của đối phương. Đến tháng 11/2022, Nga đã xây dựng tuyến phòng thủ rộng khắp chạy qua các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát ở miền Nam và miền Đông Ukraine. Theo tình báo Anh, hành lang phòng thủ này bao gồm các lớp chiến hào, dây thép gai, ụ đất, răng rồng, chướng ngại vật chống tăng hình kim tự tháp. Tổng diện tích bãi mìn chống tăng và mìn chống bộ binh của Nga tương đương diện tích bang Florida của Mỹ, tình báo Anh lưu ý.

Cản trở bước tiến của Ukraine

Nhiều nhà phân tích đã suy đoán về mục đích của Nga khi Moscow quyết định đầu tư nhiều nguồn lực vào một trong những hệ thống công sự phòng thủ rộng lớn nhất thế giới này. Giống như các tuyến phòng thủ khác, mục tiêu chính của hệ thống này là cản trở bước tiến của Ukraine và giúp Nga duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đang nắm giữ.

Theo nhà phân tích Arman Mahmoudian của National Interest, khi xem xét quy mô rộng lớn của các phòng tuyến cũng như những cuộc giao tranh dọc theo tiền tuyến dài gần 1.000 km, việc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ có thể là một thách thức lớn do nguồn lực hạn chế của Moscow cũng như tính chất ác liệt của các trận đánh. Vì lẽ đó, Nga có thể chọn chiến lược phòng thủ để quân đội của họ có thể thời gian ưu tiến cho các mục tiêu quan trọng hơn trong năm tới.

Khi Ukraine bắt đầu phản công ở mặt trận phía Nam và phía Đông, ưu tiên hàng đầu của Nga là bảo vệ các cứ điểm chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia. Bước tiến của Ukraine tại khu vực này sẽ đe dọa trực tiếp đến hành lang đất liền nối Donetsk với bán đảo Crimea. Giữ vững quyền kiểm soát hành lang này là ưu tiên hàng đầu của Nga, bởi nếu để mất, quân đội Nga sẽ bị chia cắt.

Để cung cấp đạn dược và quân tiếp viện cho mặt trận Kherson-Crimea, Moscow sẽ phải dựa vào các chuyến tàu, máy bay vận tải hoặc đoàn xe qua cầu Kerch nhưng các phương tiện này đều dễ bị hỏa lực của đối phương nhắm mục tiêu.

Trong bối cảnh Kiev sở hữu tên lửa Neptune có tầm hoạt động gần 274km và việc nước này liên tiếp triển khai máy bay không người lái tấn công hành lang đất liền trên, không có tuyến đường bộ trực tiếp nào giữa Donetsk và Crimea trở nên an toàn. Do vậy, nỗ lực tiếp tế của Nga cho các lực lượng trong khu vực Kherson – Crimea sẽ gặp nhiều thách thức.

Ngăn Ukraine vượt sông Dnieper

Nhà phân tích Arman Mahmoudian cho rằng, mục tiêu thứ hai của Nga có thể là ngăn ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper, đặc biệt là ở vùng châu thổ hẹp, nơi con sông đổ vào Biển Đen. Dòng chảy và độ sâu của Dnieper có thể đóng vai trò như một “rào chắn tự nhiên”, mang lại lợi thế cho quân đội Nga khi họ ở thế phòng thủ. Việc giữ vững rào chắn này là điều vô cùng quan trọng.

Nếu các lực lượng Ukraine có thể vượt qua con sông và tiến vào khu vực Kherson, họ sẽ thu hẹp được “vùng đệm” giữa Crimea và Ukraine, khiến bán đảo Crimea đứng trước nguy cơ bị pháo kích hoặc tấn công trên bộ. Sau khi Kiev đạt được một số bước tiến mới ở phía Nam Kherson, tầm quan trọng chiến lược của khu vực đã tăng lên gấp bội. Một sự đột phá dọc theo hướng này có thể mang lại lợi thế chiến thuật cho Kiev trong việc thiết lập mặt trận ổn định dọc theo bờ nam sông Dnieper. Do đó, việc giành lại Kherson, có thể trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Nga.

Duy trì lá chắn giữa các lãnh thổ do Nga kiểm soát

Mục tiêu thứ ba của Nga có thể là duy trì lá chắn giữa các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát, mở rộng tới Donetsk và Lugansk – nơi Điện Kremlin chính thức sáp nhập vào năm 2022. Việc giữ vững các khu vực này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Moscow, về cả mặt quân sự lẫn chính trị. Để thực hiện điều đó, Nga cần bảo vệ các thành phố được coi là “cửa ngõ” hậu cần đến Donetsk và Luhansk, chẳng hạn như Pisky và Bakhmut.

Dù có những ưu tiên cụ thể trong việc đối phó với các cuộc phản công của Ukraine nhưng các chỉ huy cấp cao của Nga vẫn nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa các tuyến phòng thủ. Trên thực tế, Nga được cho là đã xây dựng những công sự phòng thủ quy mô lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai. Có lẽ Moscow cho rằng, nếu không “đào sâu bám rễ” tại những khu vực chiến lược thì một bước đột phá của Kiev có thể đẩy họ vào tình huống khó khăn và bị động như những gì đã diễn ra tại phía Bắc Ukraine vào mùa Thu năm 2022.

Câu giờ

Cuối cùng, Nga có thể còn theo đuổi một mục tiêu khác là câu giờ, nhà phân tích Arman Mahmoudian lưu ý. Moscow dường như đang cố gắng kìm hãm quân đội Ukraine để giúp ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thời gian cần thiết thúc đẩy sản xuất vũ khí và phục hồi khả năng tấn công sau khi chịu thiệt hại đáng kể.

Trong lịch sử, Nga được cho là đã vượt qua nhiều đối thủ lớn bằng cách thiết lập vành đai phòng thủ. Chiến thuật này làm tiêu hao vũ khí và binh lực của đối phương, giúp Nga có thời cơ tái tập hợp cũng như củng cố lực lượng. Theo giới quan sát, việc Moscow theo đuổi mục tiêu làm suy giảm năng lực quân sự của đối phương là hoàn toàn hợp lý. Một số báo cáo cho biết, thời gian gần đây, Moscow đã đạt thỏa thuận với Iran để sản xuất 6.000 máy bay không người lái Shahed ở Nga, điều này có thể giúp Điện Kremlin duy trì khả năng tấn công mạnh mẽ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi