Năm học mới 2023 – 2024, trong khi chờ quy định mới về học phí của Chính phủ, các trường đang tạm thu theo nhiều mức khác nhau. Trong đó có trường thu bằng mức năm ngoái, nhưng có trường áp dụng mức học phí tăng mạnh so với năm học trước đó.
Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến học phí (HP). Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GD-ĐT khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 để kịp thời có hiệu lực thi hành trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2023 – 2024.
Bộ GD-ĐT đã trình lên Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 theo hướng lùi 1 năm khung HP quy định theo Nghị định 81 hiện hành. Theo dự thảo này, mức trần HP đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học mới bằng mức trần HP năm học 2022 – 2023 tại Nghị định 81. Cụ thể, theo dự thảo này, năm học 2023 – 2024 HP các ngành dao động từ 12 – 24,5 triệu đồng/năm học tùy khối ngành.
Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức HP được xác định tối đa bằng 2 lần trường chưa tự chủ, từ 24 – 49 triệu đồng/năm. Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư mức HP được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trường chưa tự chủ, tức 30 – 61,2 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng được tự xác định mức thu HP trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành và thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Như vậy, so với khung HP hiện tại áp dụng cho năm học 2023 – 2024 trong Nghị định 81, HP theo dự thảo sửa đổi thấp hơn 1,5 – 3,1 triệu đồng/năm (trường chưa tự chủ); 3 – 6,2 triệu đồng/năm (trường tự chủ chi thường xuyên); 3,75 – 7,75 triệu đồng/năm (trường tự chủ hoàn toàn).
Tuy nhiên, dù lùi 1 năm khung HP nhưng theo dự thảo trong nghị định sửa đổi, HP áp dụng cho năm học 2023 – 2024 vẫn cao hơn mức thu thực tế của các trường trong năm học trước đó. Ví dụ, với nhóm trường chưa tự chủ, mức thu có thể cao hơn từ 2,2 – 10,2 triệu đồng/năm so với mức thu năm ngoái. Sở dĩ như vậy bởi năm học vừa rồi các trường ĐH áp dụng theo Nghị quyết 165 của Chính phủ với mức thu bằng với mức năm 2021 – 2022. Cụ thể, mức trần HP trường chưa tự chủ từ 9,8 – 14,3 triệu đồng/năm; trường tự chủ từ 20,5 – 50,5 triệu đồng/năm.
TẠM THU THEO MỨC TĂNG
Đến thời điểm này, các trường ĐH đã thực hiện thu HP học kỳ 1 năm học mới theo nhiều mức khác nhau căn cứ vào Nghị định 81.
Một số trường hiện đã tạm thu HP theo mức trường công bố dự kiến tăng cho năm học 2023 – 2024. Trong thông báo triển khai kế hoạch nhập học cho sinh viên (SV) mới trúng tuyển, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch yêu cầu người học hoàn tất các khoản thu, trong đó bao gồm HP, ngay khi nhập học. Trong đó, y khoa, răng-hàm-mặt và dược HP 55,2 triệu đồng/SV/năm học và các ngành cử nhân 31.640.000 đồng/SV.
Trường ĐH Luật TP.HCM cũng thực hiện tạm thu HP đợt 1 với SV mới theo thông báo dao động từ 31,2 – 74,1 triệu đồng/năm học (riêng ngành luật chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh thu 165 triệu đồng/năm).
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trường đã xác định HP cho khóa tuyển sinh 2023 từ 25 – 60 triệu đồng/năm tùy chương trình đào tạo. Hiện tại trường tạm thu 10 – 22 triệu đồng/SV trong đợt nhập học vừa qua, bao gồm HP và các khoản phí tùy theo từng chương trình đào tạo. “Trường sẽ thực hiện điều chỉnh HP sau khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”, ông Đạo cho hay.
TẠM THU BẰNG MỨC NĂM CŨ
Trong khi đó, nhiều trường chỉ tạm thu HP bằng mức của năm học cũ. Ví dụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tạm thu học phí đợt 1 với tân SV chương trình chính quy và Việt – Pháp 13.750.000 đồng; chương trình tiên tiến, chương trình dạy học bằng tiếng Anh và chương trình chuyển tiếp quốc tế là 36 triệu đồng; chương trình định hướng Nhật Bản và chương trình chuyển tiếp quốc tế Nhật Bản tạm thu 27,5 triệu đồng.
PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng phòng Quản trị thương hiệu – truyền thông nhà trường, cho biết mức tạm thu này thấp hơn so với HP dự kiến đã công bố từ 1,25 – 4 triệu đồng tùy chương trình. “Sau này có văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho phép thu HP đúng lộ trình thì trường thu bổ sung”, PGS-TS Mai Hương cho hay.
Tương tự, thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho hay: “Trường đã tạm thu HP SV khóa mới theo mức bằng với năm học 2022 – 2023. Trường đang chờ quy định sửa đổi HP mới rà soát và thông báo mức thu chính thức”. Trước đó, trường này thông báo HP dự kiến năm học này là 25,9 triệu đồng/năm chương trình tiếng Việt và 51 triệu đồng/năm chương trình tiếng Anh.
Có trường không tăng học phí
Một số ít trường ĐH đã quyết định không áp dụng mức thu theo khung HP năm học 2023 – 2024 của Nghị định 81.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện đã chính thức hoàn tất việc thu HP của năm học này. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết HP thu bằng năm ngoái của trường theo tinh thần Nghị quyết 165, trong khoảng 13 – 14 triệu đồng/học kỳ.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng giữ nguyên HP của năm học trước đó, tức là mức học phí 4 năm liên tục không điều chỉnh.
Nguồn: thanhnien.vn