>>Hy vọng người dân được hỗ trợ tiền mua xe điện “vừa lóe lên đã vụt tắt”?

Để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ trợ cấp cho người dân khoản tiền 1.000 USD khi mua ô tô điện. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.

Hỗ trợ người giàu?

Bộ Tài chính cho rằng, hỗ trợ tài chính người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp, vì những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội.

Hỗ trợ người dân mua xe điện, cần tầm nhìn dài hạn

Tại các đô thị lớn, mỗi ngày chúng ta lại đối diện với tắc đường nhiều hơn. Người tham gia giao thông ai cũng ngán ngẩm với tiềng ồn  của động cơ đốt trong và khí xả độc hại. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Diễn Đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến thể hiện sự không đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính. Theo tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội, trợ cấp tiền cho người dân mua xe điện, không phải là hỗ trợ người giàu, mà trước hết để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống “giao thông xanh”, góp phần thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 và năm 2050. Hiện nay, riêng các loại phương tiện giao thông đường bộ phát thải lượng lớn khí thải, chiếm khoảng 17% lượng khí thải carbon toàn cầu và vẫn không ngừng tăng lên. Việc chuyển sang sử dụng xe điện được cho là giải pháp “xanh” phù hợp nhất.

Với Việt Nam, môi trường cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, có nguyên nhân lớn từ khí thải ô tô, xe máy gây ra. Trong khi đó, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam lại đang tăng nhanh. Theo dự báo, đến năm 2025 sẽ đạt quy mô 800.000 xe/năm và đến 2030 đạt 1,2 triệu xe/năm. Số lượng ô tô tăng nhanh dẫn tới hệ lụy là lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.

Tại các đô thị lớn, mỗi ngày chúng ta lại đối diện với tắc đường nhiều hơn. Người tham gia giao thông ai cũng ngán ngẩm với tiềng ồn ào của động cơ đốt trong và khí xả độc hại. Hãy hình dung, nếu đường phố chỉ có xe điện lưu thông thì không khí sẽ trong lành, xanh sạch và yên tĩnh hơn. Vì vậy, nhìn rộng ra, Nhà nước trợ cấp tiền cho người mua xe điện, không phải là hỗ trợ người giàu mà để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm bệnh tật, giảm gánh nặng cho xã hội, tiến sỹ Lạng nói.

Cần tầm nhìn dài hạn

>>Người dân mua xe điện sẽ được hỗ trợ tiền?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay cả nước đã có hơn 20.065 ô tô điện lưu hành, trong đó đa phần là xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Số lượng người dùng sử dụng ô tô điện được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, nếu có chính sách kích cầu tốt. Ô tô điện trở nên phổ biến trên đường phố Việt Nam, là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ môi trường.

Không chỉ có vậy, hỗ trợ cho xe điện còn mang lại những giá trị lớn lao hơn rất nhiều. Theo ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Motors TMT, trợ cấp cho người dân mua xe điện là chính sách kích cầu tiêu dùng đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Khi có nhiều người mua xe điện, quy mô thị trường sẽ tăng lên, giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển, như vậy sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách, nâng tầm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ban đầu bỏ tiền ra, nhưng sau này sẽ thu lại gấp nhiều lần khi ngành sản xuất xe điện phát triển.

Hỗ trợ người dân mua xe điện, cần tầm nhìn dài hạn

Trợ cấp tiền cho người dân mua xe điện cần tầm nhìn dài hạn. Phải nhận thấy, sự hỗ trợ này vừa giúp chuyển đổi nhanh sang “giao thông xanh” vừa góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô. (Ảnh minh họa)

Tại Trung Quốc từ năm 2009 – 2022, chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) dành riêng cho các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện. Nhờ vậy, đến nay đã tạo ra thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, cùng một ngành công nghiệp ô tô điện phát triển, vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ô tô điện. Qua đó thu được lợi ích rất lớn, ông Hữu nói.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nhân loại chuyển sang xe điện, là sự thay đổi “trăm năm có một”. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam nắm bắt và vươn lên. Trong khi đó, công nghiệp ô tô vốn được coi là một trong những trụ cột quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một đất nước có thể sản xuất được chiếc xe hơi hoàn thiện thì cũng có thể sản xuất được tất cả mọi thứ. Nó là biểu hiện về trình độ khoa học kỹ thuật cao, về sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Vì vậy, trợ cấp tiền cho người dân mua xe điện cần xuất phát từ tầm nhìn dài hạn. Phải nhận thấy, sự hỗ trợ này vừa giúp chuyển đổi nhanh sang “giao thông xanh” vừa góp phần tạo ra ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Trong khi nhiều quốc gia khác đã ban hành chính sách trợ cấp cho người dân chuyển sang sử dụng ô tô điện từ lâu thì đến nay tại Việt Nam mới có đề xuất. Nhưng đề xuất này ngay lập tức đã bị Bộ Tài chính bác bỏ, cho thấy chính sách khuyến khích phát triển ô tô điện của nước ta vừa chậm lại vừa thiếu hấp dẫn, sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tắt đón đầu để vươn lên.