Thursday, October 31, 2024

Sách giáo khoa chương trình mới chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội?

Thúc đẩy công bằng xã hội là mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc và Việt Nam hướng đến, nhưng điều này chưa được quan tâm đúng mức trong sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới, theo chuyên gia.

Sách giáo khoa chương trình mới chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội?

Các bài đọc trong sách giáo khoa tiếng Anh chương trình mới có nhắc đến nữ quyền, một vấn đề liên quan đến công bằng xã hội

NHÓM TÁC GIẢ

Các vấn đề xã hội như đói nghèo, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới hay giáo dục chất lượng cao đã được Liên Hiệp Quốc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 từ năm 2015 như những mục tiêu phát triển bền vững của thời đại. Ở Việt Nam, việc thúc đẩy công bằng xã hội (social justice) cũng là một trong những mục tiêu then chốt mà chính phủ hướng đến.

Dù đã được nghiên cứu và đưa vào sách giáo khoa ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các vấn đề xã hội hầu như chưa được sự quan tâm đúng mức trong sách giáo k chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét ở môn tiếng Anh, môn học được kỳ vọng sẽ làm “cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới.

Chiếm tỷ trọng “khá nhỏ” trong một số SGK

Hiện, các trường THPT được chọn một trong 9 loại sách giáo khoa tiếng Anh để giảng dạy trong chương trình mới, trong đó có 3 đại diện là Global Success (NXB Giáo dục Việt Nam), Bright (NXB ĐH Huế) và C21-Smart (NXB ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây cũng là 3 bộ sách giáo khoa được nhóm tác giả nghiên cứu, đánh giá.

Theo khảo sát, mật độ bao phủ các vấn đề công bằng xã hội trong các bài đọc chiếm một tỷ trọng khá nhỏ, trung bình 21% so với tổng các bài đọc (reading text) của 3 loại sách giáo khoa được nghiên cứu. Cụ thể, 32% với sách tiếng Anh 10 Global Success, 24% với sách tiếng Anh 10 Bright và 5% với sách tiếng Anh 10 C21-Smart.

Sách giáo khoa chương trình mới chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội?

Các chủ đề về công bằng xã hội như bình đẳng giới tuy có xuất hiện trong sách giáo khoa chương trình mới nhưng với mật độ chưa cao

NHÓM TÁC GIẢ

Song song đó, tần suất xuất hiện các chủ đề không đều nhau giữa các sách. Chẳng hạn, số chủ đề về công bằng xã hội ở sách tiếng Anh 10 Global Success, Bright gấp đôi sách tiếng Anh 10 C21-Smart. Các chủ đề được đề cập chủ yếu liên quan đến bình đẳng giới giữa nam và nữ, tập trung vào các khía cạnh là môi trường sống an toàn, thu nhập, cơ hội việc làm, khả năng tiếp cận giáo dục. Ngoài ra, cả 3 sách đều tập trung chủ yếu vào nhóm phụ nữ và nam giới người lớn, sau đó mới đến trẻ em và người khuyết tật.

Có thể thấy, sách giáo khoa đã được cải cách với mục đích giúp học sinh chuẩn bị tốt với những thách thức trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, những vấn đề trong sách chưa đủ để cung cấp cho các em cái nhìn cập nhật và toàn diện về tình hình toàn cầu hiện nay. Cụ thể, quyền của cộng đồng LGBTQ+, tội phạm mạng xã hội, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, lạm dụng trẻ em… hoàn toàn không được ghi nhận.

Các vấn đề công bằng xã hội là gì?

Khi nhắc đến công bằng xã hội, mọi người thường nghĩ đến những chủ đề phổ biến như bất bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc hay quyền bầu cử. Tuy nhiên, vấn đề này còn được mở rộng ở nhiều phương diện khác, gồm tiếp cận dịch vụ y tế, an ninh xã hội, môi trường sống an toàn; sự bất bình đẳng về giáo dục chất lượng và sự tiếp cận tri thức; cơ hội bình đẳng trong công việc; sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản, cơ hội tham gia vào bộ máy chính trị.

Tại Việt Nam, nhóm những chủ đề đang nhận được sự quan tâm phải kể đến là bình đẳng giới, quyền của cộng đồng LGBTQ+, nhóm dân tộc thiểu số, môi trường và bền vững, nhà ở, lao động và việc làm, giáo dục, y tế.

Giáo viên muốn lồng ghép công bằng xã hội khi dạy học

Việc lồng ghép các chủ đề công bằng giáo dục được cho là xu hướng giảng dạy không quá mới trong giáo dục trên thế giới, nhưng vẫn là hình thức lạ lẫm tại Việt Nam. 

Trong một cuộc khảo sát do nhóm tác giả thực hiện, nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh bày tỏ mong muốn dạy và lồng ghép thêm các chủ đề công bằng xã hội ngoài sách giáo khoa trong tiết học trên trường phổ thông.

Sách giáo khoa chương trình mới chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội?

Nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh mong được lồng ghép công bằng xã hội vào bài học bồi dưỡng năng lực liên văn hóa, tư duy và phản biện cho học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Các thầy cô cho rằng, việc này giúp họ có thể thúc đẩy bản thân học hỏi và trau dồi kiến thức xã hội thường xuyên, nâng cao tinh thần tự học. Đồng thời, với mỗi lần thiết kế bài học, hoạt động trong lớp, kỹ năng sư phạm của họ cũng được cải thiện. Việc tự học, trang bị kiến thức xã hội và năng lực liên văn hoá là cần thiết khi vai trò của giáo viên thời đại mới không chỉ hướng dẫn, mà còn vận hành quá trình giáo dục.

Quan trọng hơn cả, giáo viên nhìn nhận qua việc truyền tải những vấn đề công bằng xã hội, học sinh có thể nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa. Cụ thể, các em được tiếp xúc và nâng cao nhận thức về những vấn đề xã hội trên thế giới; được trang bị kiến thức cần thiết để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Từ đây, các em cũng có thể phát triển tư duy và kỹ năng phản biện, tự tin phát biểu quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội ngày nay.

Đâu là giải pháp?

Mặc dù nhận thức được những điểm sáng từ việc lồng ghép các chủ đề công bằng xã hội vào tiết học, việc giáo viên áp dụng và tiếp cận vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Thứ nhất, giáo viên có thể linh hoạt thay đổi và thêm bớt tài liệu dạy học, nhưng việc này tốn khá nhiều công sức, thời gian. Bởi lẽ, thầy cô hiện chưa có một chương trình đào tạo hay hướng dẫn cụ thể về việc thêm, bớt lồng ghép các chủ đề công bằng xã hội vào tiết học. Điều này dẫn tới việc giáo viên phải tự chủ động tìm hiểu, học hỏi từ đồng nghiệp hoặc cộng đồng giáo viên trên các nền tảng trực tuyến.

Sách giáo khoa chương trình mới chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội?

Một lớp luyện thi tiếng Anh tại TP.HCM

NGỌC LONG

Thứ hai, giáo viên phải cân nhắc lồng ghép công bằng xã hội dựa trên từng đối tượng học sinh, nhằm cân bằng với việc phát triển năng lực ngôn ngữ của các em. Thực tế, mỗi tiết học tiêu chuẩn chỉ kéo dài 45 phút, nên buổi học muốn đạt được hiệu quả cần nhiều nỗ lực từ giáo viên và cả hợp tác từ học sinh.

Theo đó, đối với học sinh khá giỏi, giáo viên có thể dễ dàng tổ chức các hoạt động trong lớp như xây dựng nội dung thảo luận và thuyết trình. Song, điều này sẽ bất khả thi đối với học sinh có năng lực ngôn ngữ yếu, chỉ muốn tập trung học và ôn luyện ngữ pháp, từ vựng để chuẩn bị cho các bài kiểm tra trên trường.

Từ những vấn đề tồn đọng nêu trên, nhóm tác giả đề xuất cần có chương trình đào tạo, hội thảo tập huấn để trang bị, hỗ trợ giáo viên lồng ghép hiệu quả những vấn đề xã hội trong tiết học, nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức xã hội và phát triển ngôn ngữ của học sinh.

Ngoài ra, việc đào tạo tập huấn này nên bắt đầu từ sinh viên sư phạm, chứ không chỉ dành cho những giáo viên đã có kinh nghiệm giảng dạy. Bản thân thầy cô cũng nên mang tinh thần tự học suốt đời, tự giác trau dồi thêm kiến thức xã hội, chuyên môn bằng việc liên tục cập nhật tin tức xã hội lẫn đọc sách, báo chuyên ngành.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img