Wednesday, September 18, 2024

Lúng túng với sang nhượng trường, lớp mầm non

Thị trường “sang nhượng” trường, lớp mầm non tư thục hiện rất rầm rộ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Song các chủ trường, chủ nhóm lớp cũng cho biết đang rối bời, lúng túng với thủ tục, giấy tờ.

THỊ TRƯỜNG TẤP NẬP

Từ khóa “Sang nhượng trường mầm non” có hơn 2,5 triệu kết quả tìm kiếm trên Google. Trên Facebook có hàng chục hội nhóm với chủ đề này, có nhóm lên tới 29 triệu thành viên, thường xuyên đăng tải các bài viết mới. Xuất phát từ nhiều lý do, nhu cầu sang nhượng các trường mầm non tư thục, cơ sở giáo dục mầm non độc lập như nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non (gọi tắt là trường, lớp mầm non) đang nở rộ trong thực tế. Có những nhóm trẻ mẫu giáo được “rao” trên nhóm sang nhượng với giá gần 500 triệu đồng hay có những trường mầm non tư thục đang “rao” sang nhượng giá đến 4 tỉ đồng.

Lúng túng với sang nhượng trường, lớp mầm non

Trường mầm non sang nhượng vài trăm triệu tới vài tỉ đồng trên các diễn đàn, hội nhóm

CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng việc “sang nhượng” trên đều là thỏa thuận cá nhân giữa hai bên, bởi pháp luật không quy định việc sang nhượng cơ sở giáo dục mầm non mà chỉ quy định cụ thể về các thủ tục thành lập cũng như việc sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non.

Chị C.Đ, chủ một hệ thống trường mầm non tại Q.Bình Tân và Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết hiện nay có nhiều dạng sang nhượng trường, lớp mầm non. Khi mà xã hội hóa giáo dục được quan tâm thì việc mở trường, lớp mầm non tư thục ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các địa phương. Có trường, lớp đang hoạt động tốt, bình thường nhưng người quản lý vì lý do cá nhân không thể tiếp tục quản lý nên muốn nhượng lại. Hay có những trường, lớp do người có thế mạnh tài chính kết hợp với người có khả năng quản lý giáo dục cùng mở, nhưng sau một thời gian thì mỗi người mỗi chí hướng, không thể tiếp tục “bước tiếp” cùng nhau nên cần sang nhượng…

Đồng thời, hiện nay nhiều người muốn đầu tư vào giáo dục, mở trường, lớp mầm non nhưng không muốn làm mới hoàn toàn từ đầu mà tìm những người đang làm và mua lại. Việc này giúp cho chủ trường có nhiều lợi thế như trường, lớp cũ đã có tiếng ở khu vực, đã được phụ huynh tin tưởng; đầy đủ đội ngũ giáo viên, nhân viên, sẵn sàng mọi cơ sở vật chất… Do đó, người chủ trường mới chỉ tập trung hoàn thiện các khâu pháp lý và quản lý, vận hành trường lớp cho tốt.

Thế nhưng, các chủ trường nêu những lúng túng trong thực tế chuyển đổi chủ trường.

TRẺ ĐANG HỌC NHƯNG PHẢI GIẢI THỂ, XIN LẠI GIẤY PHÉP

Chị Nguyễn Thị Minh Uyên, nhà đầu tư giáo dục, chủ hệ thống mầm non Việt Đức, TP.HCM, từng “mua” lại 3 cơ sở giáo dục mầm non độc lập và “nhượng” lại 1 cơ sở. “Cách đây mấy năm, tôi “mua” lại một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Q.Bình Thạnh từ một người chủ khác. Lớp mẫu giáo đó đầy đủ giấy phép, đầy đủ tất cả các điều kiện pháp lý hoạt động, trẻ em cũng đang đi học, giáo viên làm việc bình thường. Tuy nhiên, vì pháp luật không có quy định về sang nhượng cơ sở giáo dục mầm non nên người chủ cũ làm đầy đủ các bước là sang nhượng lại hết tài sản, đồ chơi có trong trường lớp của mình, sang nhượng hợp đồng thuê nhà… và phải làm các thủ tục giải thể cơ sở giáo dục mầm non độc lập của mình”, chị Minh Uyên kể.

Sau khi cơ sở giải thể xong, chị Minh Uyên làm lại từ đầu toàn bộ thủ tục xin giấy phép thành lập, giấy tờ chứng nhận đảm bảo phòng cháy chữa cháy… đến khi đầy đủ giấy tờ thì mới chính thức được là chủ một lớp mẫu giáo mới.

Pháp luật quy định thế nào?

Nếu anh A là chủ một trường mầm non tư thục, hiện anh không đủ sức quản lý, muốn sang nhượng lại cho chị B để chị B đứng tên chủ trường, thì hai bên cần làm các thủ tục gì theo quy định?

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời PV Thanh Niên: Theo quy định tại điều 2 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT thì cơ sở giáo dục mầm non (gồm trường mầm non công lập hoặc tư thục; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Trường mầm non, nhà trẻ tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.

Việc thành lập và hoạt động cơ sở giáo dục mầm non được quy định tại Nghị định số 46/2017, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018. Nghị định này quy định cụ thể về các thủ tục thành lập cũng như việc sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non nhưng không quy định về việc chuyển nhượng. Vì vậy, hiện nay các chủ cơ sở giáo dục mầm non không thể thực hiện việc sang nhượng.

Trường hợp chủ cơ sở là cá nhân thì phải tính toán thực hiện chuyển nhượng các tài sản, các hợp đồng đang còn hiệu lực như hợp đồng thuê địa điểm, thiết bị… Tiếp theo là thực hiện việc giải thể theo quy định tại điều 9 nghị định này. Sau đó, người nhận chuyển nhượng các tài sản trên có thể xin cấp phép hoạt động cơ sở mầm non mới.

“Trường hợp chủ sở hữu là doanh nghiệp chỉ có duy nhất cơ sở mầm non, ngoài ra không có hoạt động kinh doanh nào khác thì có thể đàm phán mua lại doanh nghiệp sở hữu cơ sở mầm non để có toàn quyền quản lý, sở hữu cơ sở mầm non. Khi thực hiện thì cần lưu ý một số vấn đề về tài sản, các trang thiết bị của cơ sở, hệ thống giáo viên, sổ sách kế toán, hồ sơ pháp lý của cơ sở và các tài liệu liên quan đến học sinh…”, luật sư Lê Trung Phát tư vấn.

Nhưng trong khi chị Minh Uyên và chủ ngôi trường cũ kia làm tất cả các loại giấy tờ, tuyên bố giải thể thì trẻ em đi đâu học, các giáo viên, nhân viên đi đâu làm việc? Chị Minh Uyên cho hay may mắn là chị có một cơ sở giáo dục mầm non độc lập cũng cách đó chừng 2 km, chị xin phép phụ huynh cho con sang học tạm cơ sở kia trong thời gian làm giấy tờ, pháp lý nên việc đến trường của trẻ nhỏ không bị gián đoạn, cô giáo cũng không bị mất việc làm.

Lúng túng với sang nhượng trường, lớp mầm non

Trên Facebook có hàng chục hội nhóm với chủ đề sang nhượng trường mầm non

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Tuy nhiên, không phải người nào khi đi “mua” lại trường, lớp mầm non độc lập cũng có thể có một trường lớp gần đó để cho trẻ em qua đó học. Hoặc là họ vẫn để trẻ nhỏ học tại cơ sở đó trong khi làm giấy tờ, vậy thì khác nào “hoạt động chui” khi trường lớp đã giải thể hoặc chưa có giấy quyết định thành lập? Hoặc là trẻ nhỏ phải nghỉ học, dời đến trường mới, giáo viên/nhân viên bị mất việc làm. Hoặc có người vẫn để người chủ cũ đứng tên trên giấy phép thành lập cơ sở, nhưng chỉ đứng tên thôi, còn người mới lại là người quản lý. Như vậy khác nào “hồn Trương Ba da hàng thịt”?” chị Minh Uyên nói.

Chị Minh Uyên cho biết hiện có nhiều thỏa thuận sang nhượng các trường, lớp mầm non, giao dịch với số tiền lớn nhưng chỉ viết giấy tay, vừa mạo hiểm cho nhà đầu tư giáo dục, vừa thất thoát tiền thuế của nhà nước. Bên cạnh đó, trẻ em và giáo viên bị xáo trộn khi trường lớp phải giải thể mới được làm thủ tục cấp phép lại.

“Chúng tôi rất mong có những bước hướng dẫn cụ thể, quy trình được đơn giản hóa thủ tục hơn. Chủ trường chúng tôi sẵn sàng đóng thuế, để việc sang nhượng, chuyển đổi chủ trường, lớp mầm non đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các bên”, chị Minh Uyên nói. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi