Ủy ban châu Âu hôm 12/10 đã mở cuộc điều tra đối với nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) về thông tin sai lệch liên quan xung đến đột Israel – Hamas.
Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra đối với nền tảng mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk để xác định xem X có vi phạm những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về kiểm soát thông tin sai sự thật và giả mạo liên quan cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas hay không.
EC mở cuộc điều tra này chỉ hai ngày sau khi gửi đến X thư cảnh báo của Ủy viên EU phụ trách vấn đề thị trường nội khối Thierry Breton. EC cho biết, cơ quan này đã gửi yêu cầu chính thức đến X, một trong những thủ tục đầu tiên theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) mới của EU.
Trong tài liệu dài 40 trang với một loạt câu hỏi cụ thể này, EC đã yêu cầu X cung cấp thông tin liên quan đến các câu hỏi về việc kích hoạt và triển khai cơ chế ứng phó khủng khoảng của nền tảng này trước ngày 18/10 và những nội dung ít khẩn cấp hơn trước ngày 31/10.
Ông Breton nhấn mạnh, động thái của EC là nhằm bảo vệ công dân bằng cách cung cấp cho người dùng môi trường an toàn và các nguồn thông tin đáng tin cậy, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Về phần mình, X đã phản hồi về những cáo buộc trước đó của EU rằng nền tảng này không xử lý những thông tin sai lệch xung quanh cuộc xung đột Hamas – Israel.
Giám đốc điều hành X Linda Yaccarino cho biết, nền tảng này đã gỡ bỏ hoặc gắn nhãn cảnh báo hàng chục nghìn nội dung, đồng thời xóa hàng trăm tài khoản liên quan đến lực lượng Hamas. Bà Yaccarino đã gửi thư phản hồi đề ngày 11/10 cho ông Breton.
Trước đó, ông Breton cũng đã gửi thư cảnh báo tương tự cho tập đoàn Meta (chủ quản mạng xã hội Facebook) và nền tảng mạng xã hội TikTok, yêu cầu các nền tảng này trong vòng 24 giờ phải cung cấp thông tin chi tiết về các biện pháp nhằm xử lý những thông tin và nội dung sai lệch liên quan đến cuộc xung đột Hamas – Israel.
Ông Breton nhấn mạnh, các nền tảng trực tuyến lớn phải tuân theo đạo luật DSA của EU có hiệu lực cách đây hai tháng, trong đó yêu cầu xử lý các nội dung được coi là bất hợp pháp theo luật pháp của EU hoặc của từng quốc gia thành viên liên minh này.
Nếu vi phạm đạo luật DSA, các nền tảng trực tuyến có thể phải thực hiện những biện pháp khắc phục bắt buộc để ngăn chặn các nội dung bị cấm hoặc bị phạt tiền lên đến 6% doanh thu toàn cầu của công ty, hoặc thậm chí đối mặt với lệnh cấm hoạt động ở châu Âu.
Nguồn: vtv.vn