Sau 5 năm từ tác phẩm Thị dân tiểu thuyếtđoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Nguyễn Việt Hà vừa quay trở lại với tiểu thuyết mới Tuyệt không dấu vết(NXB Trẻ ấn hành).
Xoay quanh nhân vật thám tử Tuấn và hành trình tìm ra câu chuyện phía sau các vụ mất tích bí ẩn, trong tác phẩm này, Nguyễn Việt Hà đã dựng nên một đời sống thị dân có phần bát nháo và đầy phức tạp. Bằng nghệ thuật viết ấn tượng, đây là dấu ấn tiếp theo của một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại.
Hai cõi hư – thực
Có thể nói Tuyệt không dấu vết được xây dựng nên từ những mê lộ. Tuy có cốt truyện tương đối đơn giản, dễ hiểu khi được hậu thuẫn bởi chất trinh thám, nhưng chính bằng cách thể hiện những phong cách viết độc đáo, mà cuốn sách này trở nên đa thanh và đầy phức tạp. Trong đó, hai người phụ nữ đi tìm hai người đàn ông giờ đã mất tích của cuộc đời mình. Liệu họ có liên kết nào, và cuộc đời họ hội tụ ở đâu?
Sử dụng 3 tuyến truyện chính, Nguyễn Việt Hà liên tục làm nhiễu giọng kể thống nhất, khi ông cắt cúp bối cảnh một cách liên tục, và song song đó là sự thay đổi thứ tự ngôi kể. Có khi giọng nói thuộc về một người đàn ông vẫn đang còn sống, nhưng ngay sau đó nó sẽ thuộc về một người phụ nữ, và rồi cuối cùng là những hồn ma. Vào – ra một cách liên tục của dòng kể chuyện, tác phẩm đòi hỏi sự tập trung cao của người thưởng thức.
Bối cảnh thực – mơ cũng được nhà văn quan tâm khai thác một cách triệt để. Có khi là cuộc truy hoan của những hồn ma, nơi những sinh linh vừa khuất có cuộc gặp gỡ cùng những yếu nhân lịch sử 2 thế kỷ trước, nhưng cũng có khi là thời mạt thế với chuyện khóc cười… Nửa sau tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, trong đó hai bờ hư – thực gợi nhớ nhiều đến Pedro Páramo – tuyệt tác của Juan Rulfo về hành trình của cậu thanh niên tìm về bản nguyên, và rồi phát hiện mình không thực sống.
Nhưng có thể coi đây là dụng ý, khi mở đầu sách ông đã dựng nên cả một bối cảnh không thể hư cấu và phi lý hơn: “Phố nửa như đang Thu, nửa như đang Xuân, nên chắc là mùa Đông. Người đi trên phố nửa quê nửa tỉnh nửa cao bồi, rất hiếm cao thủ. Gió lạnh hoang mang mưa, trời rét như cắt da cắt thịt. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, người ta lãng mạn gọi là rét ngọt. Ngày nay tàn bạo hơn, gọi là rét hại. Ngày xưa người ta chống rét bằng cách cầm tay nhau, cùng lắm là hôn nhau. Còn bây giờ, nhà nghỉ đã nhiều hơn quán rượu”.
Tính bông lơn, chế giễu từ lâu đã là dấu ấn của Nguyễn Việt Hà cũng được giữ nguyên một cách trọn vẹn trong tác phẩm này. Ngay trang dẫn vào tác phẩm, ông cũng định dạng Tuyệt không dấu vết là “tiểu thuyết trinh thám – kiếm hiệp”. Vì vậy những từ Hán Việt có gốc Kim Dung, Cổ Long… như “nhất dương chỉ”, “âm dương nhị quái”… xuất hiện dày đặc, không chỉ phản ánh tính cách nhân vật mà còn hình thành giọng văn rất riêng của Nguyễn Việt Hà.
Ông cũng đã không ít lần tự giễu chính bản thân mình, như chi tiết “quán bia Việt Hà nghe đã thấy thối”, “mặt lạnh như tạp văn gia có sách bán chạy”… cũng như việc viết tản văn nói riêng và nghề nhà văn nói chung. Ở đây ta có thể thấy một điểm rất chung với các tiểu thuyết đã từng làm nên tên tuổi của ông, như Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết… trong sự xuất hiện cũng như đan cài của yếu tố tạp văn trong dòng tự sự hư cấu.
Tạp văn đan cài
Như ông thừa nhận, “chất riêng” của tạp văn nằm trong phẩm chất của mỗi người viết, cứ viết mà thành, chứ không thể chủ trương viết theo phong cách này hay theo giọng kia. Ông cũng chia sẻ vì “thấy” được mô típ này ở những cuốn trước, nên Tuyệt không dấu vết không có chủ ý bao hàm tạp văn. Thế nhưng dọc theo tác phẩm, không thể không thấy đặc điểm nói trên trong từng trang viết. Đó là hiện thực cuộc sống với những câu chuyện mang tính thời sự nóng hổi, và còn hiện diện cho đến ngày nay.
Với những người yêu thích tạp văn của ông, gần như bất khả để không nhận ra những “mẩu vụn” cũ được xuất hiện lại. Đó là những cao bồi già giúp vớt vát lại một chút tinh tế cho nơi thủ đô, là những ký ức về món quà sáng “ăn xôi với thịt kho tàu” hay là bà cụ răng đen bán hoa và lá mùi già trên xe đạp cũ… Và chính nơi đây cũng sẽ tiếp tục là phần nối tiếp “sợi chỉ xuyên suốt” trong cách “hướng tâm” về phía Hà Nội trong nhiều tác phẩm của ông.
Những đan xen này mang đến khoảng nghỉ tương đối vừa đủ trong các chi tiết mang tính hư cấu dày đặc và phức tạp. Như các tiểu luận xen vào hư cấu của Milan Kundera, hay hình ảnh trở thành “con đập cảm xúc” tạo sinh quyển mới cho các đoạn văn của W.G.Sebald… Những đặc trưng này làm nên dấu ấn của riêng nhà văn, nhưng cũng đồng thời hướng vào hiện thực, cho thấy “cuộc sống nhốn nháo nên người ta dễ thông cảm với cái xấu”.
Cũng chính từ đây Nguyễn Việt Hà lướt trên hiện thực nhìn về nơi mình đang sống. Đó là nơi chốn mà tốc độ xây chùa còn nhanh hơn xây nhà nghỉ, là hiện thực chen chúc mỗi khi đón con em mình, là tốc độ nhanh của bê tông hóa… với nhà nghỉ “trinh tiết”, các quán cà phê giả cổ, nơi giới nhà giàu phô trương sự trưởng giả… Từ đó khơi gợi nên một thành phố tha hóa, vô đạo, không bản sắc và thuộc về một thời mạt vô cùng đáng quên, bởi người ở thời này hiếm khi bình tĩnh.
Có thể nói Tuyệt không dấu vết là một tiểu thuyết ấn tượng trong phong cách viết, trước một vấn đề tưởng như đã cũ trong phản ánh hiện thực. Nguyễn Việt Hà tiếp tục cho thấy lối viết chắc tay, được kiểm soát tốt, kết hợp với các sáng tạo trong cách xây dựng đa tuyến truyện và khả năng chắt lọc hài hòa giữa các thể loại. Một cuốn tiểu thuyết mời gọi độc giả thưởng thức và tiến hành giải mã.
Nguyễn Việt Hà (sinh năm 1962) là gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam đương đại. Phần lớn tiểu thuyết của ông đều gây được sự chú ý và được trao tặng các giải thưởng văn chương danh giá, như Cơ hội của Chúa (1999), Khải huyền muộn (2003), Ba ngôi của người (2014), Thị dân tiểu thuyết (2019). Ông cũng nổi tiếng ở mảng tản văn, khi từng giữ mục cho nhiều tờ báo. Tháng 5 năm nay, ông cũng đã ra mắt tập tản văn Giọng
của phố.
Nguồn: thanhnien.vn