Bị ảnh hưởng chất độc da cam, chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1982, Mỹ Đức, Hà Nội) đã không thể đi lại như chúng bạn cùng trang lứa.
Xuất hiện trong Trạm yêu thương với những con hạc giấy nhiều màu sắc, chị Nguyễn Thị Nhung bật mí, hạc giấy là biểu tượng của sự may mắn, lạc quan và niềm hy vọng. Khi cầm hạc giấy trên tay, chị luôn nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó cũng là lý do chị Nhung yêu thích những con hạc này và đặt tên cho nhóm thiện nguyện của mình.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố nên đến 3 tuổi cô bé Nhung vẫn không thể tự bò, tập đi được. Gia đình đã chạy chữa khắp nơi, nghe ở đâu có cách chữa khỏi bệnh, bố Nhung đều đưa con đến. Chỉ đến khi bác sĩ kết luận di chứng này hiện chưa có thuốc chữa, gia đình mới thôi hy vọng. Số phận nghiệt ngã khiến cuộc đời chị gắn chặt với chiếc xe lăn.
Người bố luôn day dứt vì mình khiến con gái phải tàn tật suốt đời, thế nhưng cô gái 8X luôn thầm cảm ơn bố đã giúp mình được sinh ra trong cuộc sống này. Những bức thư viết về bố không chỉ giúp Nguyễn Thị Nhung đoạt giải trong nhiều cuộc thi viết mà còn là cách để chị gửi lời cảm ơn đến người bố thân yêu. Chính vì vậy, Nguyễn Thị Nhung luôn căn dặn bản thân phải sống sao cho thật ý nghĩa. Chị luôn mang trong mình những ý nghĩ lạc quan vì nghĩ rằng, chỉ cần suy nghĩ tích cực thì những điều tốt đẹp sẽ đến.
Năm 2009, Nguyễn Thị Nhung được một người bạn đưa đến một mái ấm trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi khuyết tật. Nhận thấy mình giống các em nhưng vẫn còn may mắn có thể đi đây đi đó trên chiếc xe lăn, khi ấy Nguyễn Thị Nhung đã nghĩ cần phải làm điều gì đó cho những em nhỏ có hoàn cảnh không may này. Cơ duyên đã khiến chị biết đến anh Nguyễn Ngọc Quân, giáo viên trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị khuyết tật ở hai chân. Sau nhiều cuộc trò chuyện, chị Nhung và người bạn của mình đã nhen nhóm ý tưởng thành lập một nhóm thiện nguyện với mong muốn đem lại may mắn và san sẻ yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh.
Năm 2015, nhóm thiện nguyện Hạc giấy của chị Nhung ra đời với phương châm “Kết nối trái tim – sẻ chia yêu thương”. Từ hai thành viên, đến nay nhóm thiện nguyện đã có hơn 20 thành viên chính thức và hàng trăm cộng tác viên là các giáo viên, sinh viên, công nhân viên chức… Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau nhưng họ có chung tấm lòng nhân ái. Sự xuất hiện của anh Nguyễn Ngọc Quân trong chương trình sẽ mở ra nhiều chi tiết cảm động về chị Nguyễn Thị Nhung trên hành trình san sẻ yêu thương đến những người có hoàn cảnh không may trong cộng đồng: “Để duy trì, phát triển nhóm thiện nguyện Hạc giấy từ con số 0 cho đến bây giờ là điều không hề dễ dàng. Tôi và chị Nhung phải làm việc với nhau rất nhiều lần để đưa ra được phương án làm sao duy trì được những hoạt động của nhóm được lâu dài, đều đặn nhất. Dù đi lại khó khăn, có những chuyến đi thiện nguyện về chị Nhung bị ốm, thế nhưng chưa bao giờ chị than phiền hay có ý nghĩ bỏ cuộc”.
Trải lòng về những dự định ấp ủ cho tương lai, chị Nguyễn Thị Nhung luôn mong muốn nhóm thiện nguyện của mình lớn mạnh hơn nữa, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh không may, nhiều em nhỏ mồ côi và nhiều người già neo đơn hơn. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chị Nhung và nhóm thiện nguyện Hạc giấy trên hành trình lan tỏa yêu thương đầy nhân văn ấy.
Nguồn: vtv.vn