Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tọa lạc tại P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Vào cuối thế kỷ 19, một người Pháp có tên là Camille Paris đã thiết lập một đồn điền ở Phong Lệ để trồng cây cà phê, chè và thơm. Thời đó, vùng Cẩm Lệ còn khá hoang vu.
“Bóng ma” trong khu đồn điền
Những người phu đồn điền đầu tiên đến đây là nông dân từ Cẩm Lệ, và vùng lân cận. Lời kể của họ về khu đồn điền thời kỳ khai phá còn lưu truyền cho đến ngày nay. Nào là chuyện con gà mẹ vàng dẫn bầy gà con đi ăn đêm dưới ánh trăng, len lỏi dưới gốc chè. Nào là những bóng ma Hời (cách gọi người Chăm của cư dân vùng nam Trung bộ trước đây) cất tiếng gọi nhau, âm thanh lẫn trong tiếng gió, heo hút thổi về từ phía non xa. Nào là những đồng nữ người Chăm bị bùa phép biến thành thần giữ của.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, những truyền thuyết mơ hồ giấu đằng sau màn sương hư ảo của trí tưởng tượng là hồi quang từ quá khứ xa xăm, gợi lên những vấn đề thực trong đời sống con người.
Sự thực là trong quá trình khai phá, canh tác đồn điền Phong Lệ, người ta đã phát hiện được nhiều hiện vật bằng gạch, đá, thạch anh, gốm sứ và đặc biệt là nền móng của một đền tháp Chăm đổ nát từ lâu. Dấu vết văn hóa của một dân tộc đã từng hình thành một vương quốc với nền văn minh huy hoàng từng tồn tại hơn 10 thế kỷ trên dải đất miền Trung và cả Tây nguyên là có thật.
Tháp cổ chìm trong lòng đất
Ghi chép nhà khảo cổ học Henri Parmentier trong tài liệu Catalogue du Musée Cam de Tourane (Danh mục Bảo tàng Chăm Đà Nẵng) cho biết, ông Camille Paris, người sở hữu đồn điền Phong Lệ, đã thu thập nhiều hiện vật điêu khắc Chăm và sau đó chuyển chúng về công viên Tourane (nơi sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Theo đó, năm 1909, ông Camille Paris thu được 21 hiện vật; năm 1918, thu được 9 hiện vật từ Phong Lệ.
Các nhận định ban đầu về tháp Phong Lệ và các hiện vật ở đây đã được Parmentier công bố vào năm 1909 trong tác phẩm Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam (Mô tả kiểm kê di tích Chăm ở An Nam).
Di tích khảo cổ Phong Lệ sau đó đã bị bỏ quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, vắng người qua lại. Sau năm 1975, một phần di tích bị san ủi để sử dụng vào mục đích khác. Người dân cũng dần dần đến đây định cư mà không hề biết về sự tồn tại của một di chỉ khảo cổ quan trọng ẩn sâu trong lòng đất.
Tháng 4.2011, có người dân khi đào móng để xây nhà đã tình cờ phát hiện một pho tượng cổ với đầu người, mình chim (tượng thần điểu Kinnari trong thần thoại Ấn Độ) cùng với nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tiến hành khai quật khẩn cấp ở đây. Hai cuộc khai quật khác ở di chỉ Phong Lệ cũng được tiến hành vào năm 2012 và 2018.
Dựa trên kết quả khai quật khảo cổ học và tài liệu liên quan, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận định: Quần thể kiến trúc Phong Lệ từng là một công trình quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chăm hiện biết ở miền Trung VN. Tổ hợp kiến trúc phân bố trên một ngọn đồi cao, bao quanh bởi một nhánh sông cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Phong Lệ có thể đã được quy hoạch với các cấp nền khác nhau, với một đền tháp chính nằm ở cấp nền trung tâm cao nhất.
Phần nền móng của khối kiến trúc được gia cố bằng cách sử dụng đất sét trộn với gạch và đá cuội, kết hợp cát vàng. Các trụ áp tường có nhiều viên gạch nằm sát nhau, không ít viên gạch có trang trí hoa văn, cho thấy sự tỉ mỉ trong xử lý vật liệu của những người xây đền.
Các nhà khai quật phát hiện ở đây nhiều loại di vật gồm: Các loại gạch ngói, vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch của người Chăm, gốm thô Chăm, gốm sứ thời Tống của Trung Quốc… Trong đó, có 23 di vật đá, chủ yếu là tượng động vật, như tượng tròn sư tử (Simha), bệ trụ có điêu khắc voi, các vật trang trí trên diềm mái như tượng rắn (Naga), chim thần (Garuda), tai lửa, tượng người cầu nguyện, chóp đền tháp… Đồ gốm sứ có mảnh vò (Kendi) và mảnh nồi đất nung, nhiều mảnh gốm sứ thời Tống của Trung Quốc.
Họa tiết trang trí trên gạch với mô típ kiểu cành lá uốn cong, vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu liên tưởng tới phong cách A1, đặc biệt là giai đoạn đầu – phong cách Khương Mỹ trong lịch sử đền tháp Chăm.
Về niên đại, dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng với loại trang trí dây lá đặc trưng và các trang trí kiến trúc bằng sa thạch của người Chăm, gốm men thời Tống… các nhà nghiên cứu đoán định niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỷ 10, và được người Chăm duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ 12.
Có một điểm đặc biệt là ở tháp Chăm Phong Lệ, các hố thiêng được phủ bằng cát trắng, đá cuội trộn lẫn với nhau và có bố cục rất khác với các di tích đã biết trước đó.
Những phát hiện thú vị ở hố thiêng Phong Lệ vừa giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm cấu trúc bên trong lòng móng tháp Chăm, vừa hé lộ nhiều thông tin về tín ngưỡng, thực hành tôn giáo cũng như thuật phong thủy, trạch cát của người Chăm cổ. (còn tiếp)
Nguồn: thanhnien.vn