Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói “Hành khúc ngày và đêm” là một trong những tác phẩm “để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc”. Bài hát phổ thơ của nhà thơ Bùi Công Minh.
Theo lời kể của nhà thơ Bùi Công Minh, năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông cùng vài người bạn khác được giữ lại trường. Họ thường xuyên tổ chức các buổi lửa trại, kể cho nhau nghe những câu chuyện của bản thân, trong đó có một câu chuyện về việc một nữ sinh nhận được thư của người yêu gửi về từ chiến trường.
Bản thân Bùi Công Minh cũng có câu chuyện tương tự khi người yêu của ông lúc bấy giờ. Từ cảm xúc trong những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt về mặt địa lý, Bùi Công Minh đã viết bài thơ “Ngày và đêm”. Bài thơ đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào ngày 20/11/1969. Nhưng phải tới năm 1972 nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu mới tình cờ đọc được trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ “Ngày và đêm”. Nội dung bài thơ rất trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ: Một anh bộ đội công binh, có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội. Ngay lập tức, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà dành tặng con.
“Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa/ Là trái tim thương yêu…”
Ngay sau khi bài hát ra đời đã được NSUT Phan Huấn chọn để thu âm ở Đài TNVN và biểu diễn góp phần cổ vũ các chiến sĩ trên chiến trường, kể cả trong những bệnh viện dã chiến nhiều người lính cũng yêu cầu nghe lại.
Sau khi bài hát vang lên trên sóng Đài TNVN đến với thính giả cả nước đã nhanh chóng được yêu mến. Bởi thế, ra đời trong những năm tháng khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bài hát “Hành khúc ngày và đêm” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu – Bùi Công Minh) đã là bản tình ca nồng cháy không chỉ làm xúc động tuổi trẻ thế hệ đánh Mỹ mà cả tuổi trẻ thế hệ hôm nay.
Sau này, trong một bài viết, nhạc sỹ quân đội – Doãn Nho đã nhận xét: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã làm được một điều đặc biệt là biến tình ca thành hành khúc. Nghĩa là tình ca vẫn có thể chiến đấu chống quân thù. Điều này chúng ta còn bắt gặp ở những hành khúc trữ tình sau này như: “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sỹ Diệp Minh Tuyền; “Hành khúc mẹ xa con”của nhạc sỹ An Thuyên…
Tháng 3/1997, tham gia mục “Đố vui âm nhạc” của Ca nhạc theo yêu cầu thính giả, bạn Nguyễn văn Lập ở tổ 4, ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh đã viết những dòng cảm xúc về bài hát đố “Hành khúc ngày và đêm”: “Bài hát đã thắp lên ngọn lửa của trái tim, của niềm tin. Một ngôi sao như mắt anh không ngủ; Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…rồi, pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ…Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sỹ…để rồi…cuối cùng: cái chết cũng gục đầu nâng cánh chho cuộc đời xanh tươi trẻ. Anh và em luôn gần nhau, cùng nhau trong cuộc chiến đấu mặc dầu ngày chiến thắng vẫn chưa định được…
Chỉ với những câu thơ như thế cũng đã để lại trong mỗi chúng ta những dư âm ngọt ngào, một niềm tin vững bền ở ngày mai. Có thể nói những câu thơ – lời của bài hát đã cho tôi một ấn tượng. Cùng với giai điệu của nhạc sỹ tài hoa, bài hát khi trầm thì mang một nỗi niềm, khi hùng chính là ánh lửa cháy lên từ nỗi niềm đó – nỗi niềm không của riêng ai mà cho tất cả chiến sỹ và những người ở hậu phương mà là như trong bài hát tin tưởng với tình người: cách xa mà không xa bởi đó là tình yêu của bao người cùng chung một niềm tin: Đêm ngày trong chiến đấu em với anh vẫn sống gần nhau”.
Kết thúc bài cảm nhận của mình, bạn Nguyễn Văn Lập bật mí: “Thú thật với Đố vui âm nhạc, chỉ khoảng 7 năm trở lại đây khi tôi là người yêu thích ca nhạc, với riêng “Hành khúc ngày và đêm” đã mang lại cho tôi những phút giây gợi nhớ sâu sắc (tất nhiên còn rất nhiều bài hát khác nữa) lòng luôn lâng lâng một cái gì đó còn đọng lại của ngày hôm qua, của quá khứ dù bài hát ra đời, tôi có lẽ cũng mới ra đời nhưng không làm sao quên được ”.
Cũng về bài hát “Hành khúc ngày và đêm” Bạn Phan Thu Nga ở trường Năng khiếu thị xã Hải Dương, số 7 phố Nguyễn Văn Tố, thị xã Hải Dương, với kỷ niệm sâu sắc từ thời sinh viên và trong một cảm xúc mạnh mẽ đã viết: “Tôi sinh ra khi tiếng bom đã ngừng trên Miền Bắc và lớn lên khi những ca khúc về tình yêu nở rộ sau mấy chục năm nhường chỗ cho hùng ca, vậy mà tôi và các bạn tôi vẫn hát: Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ/Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sỹ. Cái âm hưởng hào hùng mà lãng mạn của bài ca đã, đang và sẽ còn vang mãi, đó chính là bởi “Nơi sáng lên ngọn lửa là trái tim yêu thương”. Ngọn lửa rực sáng nồng nàn từ con tim yêu nhau, yêu đời, yêu Tổ Quốc ấy đã soi sáng toàn bộ tác phẩm”.
“Đêm ngày trong chiến đấu anh với em vẫn sống gần nhau” câu hát vang lên, ngân xa như tình yêu âm thầm nhưng mãnh liệt. Sự xa cách không làm người ta mềm lòng mà thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Bùi Công Minh đã nói lên tiếng lòng của bao đôi lứa trong những tháng năm chiến đấu gian lao của đất nước. Tuy có chia tay, có cách xa, có đau thương mất mát hi sinh. Song cuộc sống vẫn cứ tươi xanh và tình yêu vẫn cứ muôn đời bất diệt.
Nguồn: vov.vn