Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ đã trở thành triệu phú nhờ sở hữu bằng đại học, biết cách tiết kiệm, cũng như nhờ đại dịch.
Tất nhiên, con số trung bình đó bị chi phối bởi một số ít tỉ phú và triệu phú. Lạm phát có nghĩa là của cải thực tế không tăng nhiều. Song sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng sự gia tăng của cải chỉ là hiện tượng của nhóm 1% những người giàu nhất, hoặc bị thổi phồng bởi lạm phát và tình trạng bong bóng tài sản.
Theo Khảo sát Tài chính Tiêu dùng mới đây của Fed, được thực hiện ba năm một lần, một điều đáng chú ý là sự gia tăng số lượng triệu phú. Khoảng 16 triệu gia đình Mỹ – tức hơn 12% tổng số gia đình ở nước này – có tài sản vượt mức 1 triệu USD vào năm 2022, tăng từ mức 9,8 triệu gia đình năm 2019. Gần 8 triệu gia đình có tài sản vượt mức 2 triệu USD, tăng từ mức 4,7 triệu gia đình năm 2019.
Theo báo The Wall Street Journal, những người này được gọi là “mini-millionaire” (tạm dịch là “tiểu triệu phú”), phân biệt với các triệu phú và tỉ phú thuộc nhóm 1% (tức nhóm siêu giàu). Các “tiểu triệu phú” thường kiếm được từ 150.000 đến 250.000 USD một năm. Họ thường không được coi là giàu có mà thuộc tầng lớp thượng trung lưu (upper middle class), theo tiêu chuẩn Mỹ.
Thay vì bị bỏ lại phía sau khi mọi lợi ích trong nền kinh tế đều đổ vào tay các tỉ phú, trên thực tế, các “tiểu triệu phú” trong 3 năm qua đã chứng kiến mức tăng tài sản lớn hơn so với 10% gia đình giàu có nhất. Cụ thể, mức tăng tài sản lớn nhất từ năm 2019 đến năm 2022 thuộc về nhóm gồm xấp xỉ 13 triệu gia đình nằm trong khoảng bách phân vị thứ 80 đến 90 của biểu đồ phân phối thu nhập. Giá trị tài sản trung vị (median, tức con số nằm giữa, không phải con số trung bình) của họ đã tăng 69% so với năm 2019 (đã được điều chỉnh theo lạm phát), lên mức 747.000 USD vào năm 2022.
Chắc chắn đối với nhiều gia đình Mỹ, giá cả tăng vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu có nghĩa là thu nhập không còn có giá trị như trước. Tuy nhiên, như những số liệu trên cho thấy, mức độ gia tăng giá trị tài sản ròng của những gia đình này đã vượt xa lạm phát.
Hơn 90% các gia đình này cho biết họ sở hữu cổ phiếu, trực tiếp hoặc thông qua tài khoản hưu trí, và 87% sở hữu nhà. Họ được hưởng lợi lớn nhờ lãi suất thấp, khiến tỷ trọng khoản tiền dùng để trả nợ trong thu nhập của họ giảm từ mức 19% năm 2007 xuống còn 12,9% năm 2022.
Thay vì bị chi phối bởi nhóm 1%, nền kinh tế Mỹ đang tạo ra tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Nhiều người bước chân vào nhóm này bằng cách kiếm bằng đại học, tích lũy tài khoản tiết kiệm một cách đều đặn và mua nhà. Phần lớn, họ trở nên giàu có một cách chậm rãi, và có được chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế khi các chương trình kích thích thời đại dịch Covid-19 giúp nâng cao giá trị tài sản.
Nguồn: thanhnien.vn