Những năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ chọn đưa những chất liệu truyền thống từ âm nhạc đến văn học kết hợp với hiện đại để vừa tạo ấn tượng và cũng là cách để đưa dòng nhạc truyền thống trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với người trẻ.
Đưa giới trẻ đến gần với âm nhạc truyền thống
Gần đây, việc ca sĩ trẻ kết hợp cùng các nghệ sĩ gạo cội về cải lương không còn xa lạ. Có thể kể đến một số ca khúc như: Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng ra mắt năm 2022. Tháng 7/2023, rapper Wowy cũng hợp tác với NSND Bạch Tuyết trong ca khúc Tia sáng cuối cùng. Điều bất ngờ chính là sự kết hợp giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian. Hay NSƯT Thoại Mỹ kết hợp cùng ca sĩ H-Kray trong “Phấn hoa màu son”. Loại hình hát xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử trong “Xẩm Hà Nội” của Hà Myo hay nam ca sỹ Quân AP kết hợp quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong “Giao duyên – Ngồi tựa mạn thuyền”,…
Là một người trẻ, Bùi Thị Nam Giang, 21 tuổi, ở TP.HCM cho biết, bản thân khi nghe được những ca khúc có sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và dân ca, cải lương cũng cảm thấy rất bất ngờ, thấy được sự sáng tạo của những nghệ sĩ. Yếu tố truyền thống và hiện đại kết hợp đan xen khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu và chấp nhận được.
Nam Giang nói: “Theo cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với những dạng âm nhạc mới như vậy cảm thấy rất hoan nghênh, phấn khởi và bản thân cũng cảm giác mới mẻ khi nghe những loại nhạc này. Đôi khi sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống khiến cho mình là một người trẻ cảm thấy được hoài niệm, song song với đó là cảm giác mới mẻ và sáng tạo khi tiếp xúc với các yếu tố âm nhạc mới”.
Ca sĩ trẻ Phương Mỹ Chi được biết đến là một ca sĩ kiên trì 10 năm theo đuổi âm nhạc truyền thống. Mới đây, nữ ca sĩ này đã cho ra mắt Album và có một buổi biểu diễn giới thiệu (showcase) mang tên Vũ trụ cò bay. Trong đó, Phương Mỹ Chi thể hiện những ca khúc được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học như “Vũ trụ cò bay”, “Gối gấm” (mượn ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương), “Vũ trụ có anh” (lấy chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám), “Những ngôi sao xa xôi” (truyện ngắn cùng tên của Lê Minh Khuê), “Chiếc lược ngà” (truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Quang Sáng),… Bên cạnh đó, phần trình diễn của Phương Mỹ Chi được đầu tư rất công phu và có cả sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc gồm đàn nhị, sáo, đàn bầu và phổ biến văn hoá múa chén.
Ngoài ra, trong MV Chiếc lược ngà, Phương Mỹ Chi cũng kết hợp với NSƯT Kim Tử Long và nhóm nhạc DTAP, lồng ghép tác phẩm văn học Việt và loại hình cải lương với âm nhạc hiện đại.
Phương Mỹ Chi cho biết, với cô việc có những sản phẩm kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống như cải lương, vọng cổ là một điều rất tốt. Bởi việc kết hợp này không chỉ làm tác phẩm không bị quá đơn điệu mà còn chạm được đến trái tim của khán giả trẻ hơn. Qua đó vẫn giữ được giá trị cốt lỗi đẹp đẽ của văn hoá Việt Nam.
Phương Mỹ Chi nói: “Em hay các bạn trẻ không những gen Z hay gen Y,…thì cũng nên kế thừa và phát huy những gì liên quan đến truyền thống dân tộc Việt Nam”.
Cần tạo được sự hoà quyện giữa 2 dòng âm nhạc
Theo NSƯT Kim Tử Long, những gì Phương Mỹ Chi nói riêng và các ca sĩ khác nói chung đang làm là một xu hướng mới để các bạn trẻ thay đổi góc nhìn về nghệ thuật truyền thống. Qua những bài hát như vậy, người trẻ có thể vừa cảm được tân nhạc, vừa cảm thấy những bài hát ngũ cung, đờn ca tài tử không phải là nghệ thuật cổ lỗ sĩ, sến súa mà bỏ quên nó.
Tuy nhiên, cũng theo NSƯT Kim Tử Long, về lâu dài, để hai dòng nhạc này thực sự hoà quyện với nhau, cần phải đầu tư, kết hợp một cách khéo léo để làm sao nghe không có cảm giác tách rời 2 dòng nhạc. Nhưng hiện tại, nếu chưa tìm ra cách thì các nghệ sĩ trẻ vẫn có thể tiếp tục và thay đổi từ từ. Bởi có như vậy mới làm cho khán giả mới tìm đến với những bộ môn nghệ thuật truyền thống.
NSƯT Kim Tử Long chia sẻ: “Các bạn trẻ đã mạnh dạn đưa cải lương như đờn ca tài tử, điệu lý vào các bài tân nhạc hoặc ca nhạc dân ca. Đó là một sự mạnh dạn và có đầu tư về âm nhạc cho hai thế hệ, tôi rất ủng hộ bởi đó là cái tò mò để khán giả vào nghe hoặc xem. Tôi mong rằng các bạn trẻ sau này có kết hợp thì sẽ kết hợp nhuần nhuyễn hơn, để khi nghe thì chúng ta đang nghe một bài chứ không phải nghe hai bài”.
NSƯT Thoại Mỹ kết hợp cùng ca sĩ H-Kray trong MV “Phấn hoa màu son”
Chia sẻ về sự kết hợp mới đây nhất với H-Kray trong tác phẩm “Phấn hoa màu son”, NSƯT Thoại Mỹ cho biết, từ trước đến nay đa số công chúng cho rằng cải lương là cũ, tuy nhiên nó không hề cũ chút nào. Bởi vậy nữ nghệ sĩ cũng cho rằng, khi người trẻ muốn kết hợp với cải lương thì quan trọng nhất là làm sao để dung hòa được giữa truyền thống và những yếu tố hiện đại khác.
Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại không mới. Về lâu về dài, các nghệ sĩ cần phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp không làm bão hòa mà vẫn giữ được những giá trị riêng của từng loại hình đó. Bên cạnh đó, việc lồng ghép những yếu tố âm nhạc, văn học truyền thống của dân tộc vào sản phẩm âm nhạc nếu khéo léo, cũng là cách để phát huy và giữ gìn được nét đẹp dân tộc qua góc nhìn của người trẻ.
Nguồn: vov.vn