Biết không có phạm tội nhưng vẫn cố ý tố giác, báo tin sai vì mục đích, động cơ cá nhân nào đó, vì vậy tùy hậu quả thì cơ quan chức năng sẽ xử lý hành vi tố giác, báo tin sai này theo quy định.
Trước đó, trong vụ án Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) bị TAND TP.HCM tuyên 3 năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, những người liên quan trong vụ án cũng đề nghị xem xét bà Hằng có hành vi của tội vu khống, làm nhục người khác khi bà Hằng livestream nói những thông tin không đúng sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của họ.
Cũng theo HĐXX, xét hành vi khách quan của bị cáo Hằng và đồng phạm thỏa mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội phạm, gồm: tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tội vu khống; tội làm nhục người khác. Và theo nguyên tắc thu hút tội danh, các bị cáo phải bị truy cứu về tội nặng hơn nên bị cáo Hằng bị xét xử theo điều 331 là có căn cứ.
Tháng 6.2023, Công an H.Phong Thổ (Lai Châu) cho biết cơ quan này vừa xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với T.L.S (26 tuổi, trú xã Vàng Ma Chải, H.Phong Thổ) về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, quy định theo điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ. Cụ thể, S. đã cắt, ghép video và đưa ra những lời bình sai sự thật về lực lượng CSGT rằng “không có lỗi cũng tạo lỗi để bắt” để đăng lên Facebook nhằm câu like, câu view.
NGƯỜI DÂN CÓ NGHĨA VỤ TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho hay gần đây nổi lên hiện tượng một số cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, lên mạng xã hội tuyên bố và tố giác ai đó ra cơ quan công an. Hiện tượng này ngày càng phổ biến, vô hình trung làm cho nhiều người nhầm tưởng rằng việc thích tố giác ai đó thì tố giác mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.
Tuy nhiên, thực tế pháp luật đã có những quy định rất rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố giác tội phạm và những người này, nếu tố cáo sai sự thật, thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý, nặng nhất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
LS Thảo cho biết khoản 1 điều 144 bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) định nghĩa tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời khoản 2 điều 5 BLTTHS nêu việc phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong công tác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, theo LS Thảo, nếu lợi dụng/lạm dụng quyền tố giác tội phạm để xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ, thì cũng đi kèm hệ lụy tương xứng.
“Lường trước được hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, hãm hại người khác, nên hiện nay việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được điều chỉnh chi tiết tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC trong đó quy định rõ về quy trình tiếp nhận, phân loại, thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm…, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan, sai người phạm tội. Như vậy, trong trường hợp người tố giác cố ý tố giác sai sự thật, thì những thiệt hại về vật chất, danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị tố giác là xảy ra ngay tại thời điểm thụ lý đơn tố giác, nhưng phải mất một thời gian dài xử lý mới có thể chứng minh được mình không thực hiện hành vi phạm tội”, LS Thảo nhấn mạnh.
DẤU HIỆU NÀO ĐỊNH TỘI VU KHỐNG?
Về trách nhiệm pháp lý của người cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật, LS Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho hay tố giác tội phạm là quyền, nghĩa vụ của công dân. Nhưng để phòng ngừa việc lạm dụng quyền này, khoản 4 điều 144 BLTTHS đã quy định rõ “người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Theo LS Nghiêm, hành vi cố ý ở đây là biết không có nhưng vẫn cố ý tố giác, báo tin sai vì mục đích, động cơ cá nhân nào đó, vì vậy tùy hậu quả thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, LS Nghiêm cho biết việc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền là dấu hiệu định tội của tội vu khống, được quy định tại điểm b khoản 1 điều 156 bộ luật Hình sự 2015. Theo đó mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội này lên đến 7 năm tù và người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Ngoài ra, người tố giác sai sự thật còn có thể bị người bị tố giác khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần theo cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và buộc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định của bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành”, LS Nghiêm nói thêm.
Thành ủy TP.HCM vừa ban hành quy định về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Người cung cấp thông tin được nhận tối đa 10 triệu đồng/tin (vụ việc). Trường hợp thông tin do nhiều người cung cấp và được gửi đến nhiều nơi thì chỉ xem xét chi trả tiền mua tin 1 lần/1 vụ việc, và chi cho người cung cấp sớm nhất.
Trả lời câu hỏi cơ chế mua tin có bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh hay không, Thành ủy TP.HCM khẳng định cơ chế này sẽ khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh. Lý do, khoản 2 điều 5 của quy định nêu rõ người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số CCCD, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh.
Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.
Nguồn: thanhnien.vn