Con số này tương đương với nguồn vốn đầu tư công phân bổ trong năm cho 2 địa phương ở nhóm trung bình.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc niên hạn giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tuy nhiên hiện vẫn còn hàng chục bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công ước lên tới trên 14.000 tỷ đồng vào các công trình, dự án theo kế hoạch. Nếu không kịp thời giải ngân theo kế hoạch sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng cho nhiều vùng, nhiều địa phương.
Như tại dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đã được hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn phê duyệt vào cuối năm ngoái. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý giao 500 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay cho dự án. Tiền đã có nhưng lại chưa thể phân bổ được do dự án.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đến nay báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt nên chưa đủ điều kiện phê duyệt báo cáo khả thi. Vì thế chưa thể phân bổ vốn được.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện còn 22 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được các đơn vị phân bổ. Con số này tương đương với nguồn vốn đầu tư công phân bổ trong năm cho 2 địa phương ở nhóm trung bình. Việc không đưa được nguồn vốn quan trọng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn gây chậm hoàn thành các công trình, dự án tạo đà tăng trưởng kinh tế.
So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công 10 tháng qua đã cao hơn 5,5%, tương đương hơn 104.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn nhằm tạo đà tăng trưởng.
“Để thúc đẩy tăng trưởng ở thời điểm này thì cần phải lựa chọn, xác định đầu tư các dự án ưu tiên, các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như đường cao tốc. Đồng thời, nên tập trung tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ ngành,địa phương chưa đạt được yêu cầu của luật hiện hành cho nên sau khi rà soát lại không đủ điều kiện để phân bổ.
Không chỉ chậm phân bổ nguồn vốn, nhiều cơ quan, địa phương cũng xin trả lại vốn đầu tư công dù đã được bố trí. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở yếu tố chủ quan nên dẫn đến nghịch lý, nhiều dự án cần vốn để đầu tư lại không nguồn, trong khi đó nhiều dự án có vốn nhưng lại khó khăn trong giải ngân.
Nguồn: vtv.vn