Triển lãm Nguyên và “Nguyên” có những cơn mơ trôi vô tận của tác giả Nguyễn Trần Thảo Nguyên…
Có rất nhiều bóng cây, bóng rừng trong sương lạnh trong triển lãm Nguyên và “Nguyên” (mở cửa từ nay đến 21.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) của Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Cô gái sống tuổi thơ ở Sơn La trước khi chuyển về thành thị trưng bày ở đây 31 bức sơn dầu biểu hiện trừu tượng sáng tác trong 2 năm gần đây trong triển lãm đầu tay, khi vừa tốt nghiệp cao học ở Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
“Tôi ở trong thành phố nhưng trong giấc mơ luôn có những cây cao quá đầu bao trùm. Tôi nghĩ mình không ra được khỏi rừng. Khi trở về rừng thì lại có thêm nguồn sinh khí. Lạnh nhưng trong đó có sự ấm lòng. Tôi thích suy tưởng ở đấy”, Nguyễn Trần Thảo Nguyên nói.
Trong Nguyên và “Nguyên”, có thể thấy Nguyễn Trần Thảo Nguyên đang như trôi trong những giấc mơ, thả lỏng mình để trôi trong mơ. Nhưng sự trôi này không phải vì lười biếng mà là sự thả trôi để tìm về chính mình. Có thể, đó là sự tự đánh thức cảm xúc trước quá nhiều khuôn mẫu của thành thị, trong đó có cả những định kiến về giới.
Rất khó để thấy người trong tranh của Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Người xem chỉ có thể thấy những bóng mờ. Qua đường cong, qua chuyển động màu sát đường cong ấy, họ có thể lờ mờ đoán đó là phụ nữ. Từ đó, có thể thấy một bản năng đàn bà rất mạnh của tác giả. Lối sống thành thị đã đóng khung bản năng ấy, khiến cô thấy chật chội và muốn bung phá.
“Thực ra tôi chỉ có 1 – 2 giấc mơ, đều là trải nghiệm câu chuyện tình cảm. Nhưng có lúc tôi cảm thấy mình rơi xuống đáy. Lúc đó tôi vẽ không được, vẽ bài tập trên lớp không thích, vẽ chủ đề cũng không thích, vẽ hình họa càng không. Tôi không tìm ra được ngôn ngữ để vẽ. Rồi tôi dành 2 năm chép ra trải nghiệm của tôi. Sau đó, tôi vừa vẽ vừa đọc lại những điều đó”, Nguyễn Trần Thảo Nguyên tâm sự về quá trình sáng tác 31 bức tranh. Chúng có tên đơn giản, chủ yếu là đánh số.
Trong Nguyên và “Nguyên”, Nguyễn Trần Thảo Nguyên dùng nhiều màu đỏ nâu, hồng tím. Nhưng cô cũng để chỗ cho màu xanh mềm dịu ở một vài tác phẩm. Cô chia sẻ: “Đó là mây. Vì tôi ở trên núi cao, tôi nhìn trời thấy mây rất nhiều. Tôi không tưởng tượng là đám mây đấy nữa mà đặc biệt là thời gian ở Hà Nội từ lớp 12 đến giờ hầu như tôi chỉ nhìn trời là chính vì Hà Nội toàn nhà cao tầng. Có một lần tôi đi trên đê Long Biên tôi thấy khoảng trời, đám mây và ánh sáng chồng xếp như thiên đình. Nối nối, xếp xếp kỳ diệu”.
Nguyễn Trần Thảo Nguyên gắn bó với sơn mài trong quá trình học. Cô làm bài tốt nghiệp sơn mài. Tuy nhiên, tại Nguyên và “Nguyên”, để đáp ứng được nhu cầu vẽ ra được cảm xúc đang đầy ắp trong mình, cô chọn sơn dầu. Chỉ vẽ sơn dầu với tốc độ nhanh, Thảo Nguyên mới thấy mình tải kịp những điều mình nghĩ, những cảm xúc mình muốn mô tả. “Trong tôi có quá nhiều thứ và tôi cần phải vẽ nhanh, khi đó sơn mài không chịu được nữa”, Thảo Nguyên nói.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến nói: “Trên một nền hoang dại của tình yêu, nhục cảm, Nguyên nhảy múa thích thú cùng đường nét và màu sắc. Xem tranh Nguyên như thể Nguyên sống thật sự khi yêu và bước lên sân khấu để được múa trong thế giới của riêng mình”.
Nguyên và “Nguyên” là triển lãm Nguyễn Trần Thảo Nguyên bắt đầu nói câu chuyện của mình với cảm xúc thành thực. Những nét vẽ tinh nhỏ trong tranh không nhiều, nhường chỗ cho những nhịp màu ngắn, liên tục, tạo những mảng màu đa hướng và cảm giác bồng bềnh hơn là tạo khối. Những bức vẽ giàu tình cảm và nội tâm này của cô là một khởi đầu đáng kể, vì khi nghệ sĩ chạm được tới sự thành thật, biết cách mô tả cảm xúc đó, sự trưởng thành sẽ đến như một tất yếu.
Nguồn: thanhnien.vn