Hình ảnh vệ tinh được công bố trên mạng xã hội cho thấy, Ukraine tiếp tục mở rộng đầu cầu đổ bộ ở tả ngạn sông Dnipro chảy qua khu vực Kherson, ở miền Nam nước này, đồng thời giành lại một số vị trí dọc bờ sông. Bước tiến này của Kiev đang đe dọa phòng tuyến Nga trong khu vực.
Ukraine chiếm nhiều cứ điểm tả ngạn sông Dnipro
Trong báo cáo đánh giá về cuộc xung đột Nga-Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, theo những hình ảnh được công bố vào hôm 12/11, các lực lượng Ukraine đã tiến sâu hơn vào làng Krynky, nằm cách thành phố Kherson khoảng 30km về phía Tây và cách sông Dnipro 2km về phía Nam.
Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 14/11 xác nhận các lực lượng Ukraine đã giành được chỗ đứng vững chắc ở bờ Đông sông Dnipro, ở miền Nam Ukraine. Còn ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết: “Bất chấp mọi khó khăn, lực lượng phòng vệ Ukraine đã giành được cứ điểm ở bờ Đông sông Dnipro. Chúng tôi đã đi được 70% quãng đường và cuộc phản công của chúng tôi đang tiến triển”.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin trên, nhưng một số blogger quân sự của Nga đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bước tiến của Ukraine trong khu vực, gần một năm sau khi lực lượng của Kiev giành quyền kiểm soát Kherson. Một lính dù của Nga cho biết: “Các lực lượng Ukraine không chỉ tiến sang tả ngạn con sông mà còn chiếm các vị trí dọc bờ sông và một phần của làng Krynky. Họ đã nắm giữ các vị trí, đồng thời vận chuyển xe bọc thép qua sông. Chúng tôi đang cố gắng cầm cự để đối phương không thể xuyên thủng phòng tuyến”.
Theo Kênh Telegram WarGonzo, khu vực mặt trận này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của lực lượng Ukraine, xét về mặt tác chiến. “Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công dữ dội từ các đảo gần Poima, Peschany và Podstepnoye và đang tiến tới đường cao tốc M-14. Nếu để mất quyền kiểm soát khu vực Poima – nơi giao cắt với đường cao tốc M-17 thì Nga sẽ đối mặt với vấn đề cực kỳ nghiêm trọng vì đây là tuyến đường hậu cần của họ”, Telegram WarGonzo lưu ý.
Nỗ lực vượt sông của Ukraine diễn ra trong thời điểm phương Tây ngày càng thất vọng về cuộc phản công của Kiev, kéo dài 5 tháng qua, vốn đạt được rất ít lợi ích về mặt lãnh thổ, trong khi không thể thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường. Hoạt động băng qua tuyến đường thủy táo bạo mà thủy quân lục chiến Ukraine thực hiện không chỉ giúp Kiev đưa binh sỹ và thiết bị hạng nặng qua sông mà còn khiến các lực lượng Nga đồn trú ở tả ngạn sông Dnipro rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Roman Svitan, một nhà phân tích quốc phòng Ukraine lưu ý, Ukraine đã thiết lập được đầu cầu đổ bộ tại 3 hoặc hoặc 4 địa điểm điểm ở bờ Đông.
Kevin Ryan – cựu tướng quân đội Mỹ cho rằng: “Từ trước đến nay, trong lịch sử quân sự, việc vượt sông là một trong những hoạt động khó khăn nhất. Hiện giờ, với sự xuất hiện của máy bay không người lái và thiết bị nhìn xuyên đêm, hoạt động này lại càng đối mặt nhiều thách thức hơn”. Đối với Ukraine mà nói, việc vượt sông thành công được coi là một bước tiến lớn, ông Ryan nhấn mạnh.
Toan tính của Kiev
Trước đó ngày 18/10, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, thủy quân lục chiến Ukraine đã vượt sông và thiết lập các vị trí bắn cách cầu Antonivskiy khoảng 8 km về phía thượng nguồn. Kể từ đó, các cuộc đụng độ diễn ra liên tiếp bên ngoài những ngôi làng dọc theo bờ sông. Krynky hiện là nơi diễn ra các cuộc giao tranh các liệt nhất khi Nga đang nỗ lực kìm chân Ukraine tiến về phía Nam.
Oleksandr Musiyenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý có trụ sở tại Kiev khẳng định, đầu cầu đổ bộ của Ukraine hiện bao trùm toàn bộ bờ sông phía Đông, tính từ cầu Antonivskiy đến Krynky.
“Điều này đồng nghĩa với việc đối phương khó có khả năng đầy lùi các lực lượng của chúng tôi. Nếu họ cố gắng làm điều đó, họ sẽ đối mặt với những vấn đề lớn một khi chúng tôi phòng thủ chặt chẽ ở mặt trận này”.
Natalya Humenyuk, Phát ngôn viên Bộ chỉ huy miền Nam Ukraine ngày 14/11 cho rằng, Nga nhiều khả năng sẽ phải rút khỏi các vị trí ven sông, lùi về tuyến phòng thủ thứ hai hoặc thứ ba ở phía Đông và phía Nam.
Hoạt động vượt sông của Ukraine diễn ra trong bối cảnh các đơn vị ở phía Đông và phía Đông Bắc nước này đang nỗ lực đối phó với các lữ đoàn lớn hơn của Nga. Một bước tiến lớn ở phía Nam có thể giúp Ukraine tiến thẳng tới bán đảo Crimea, khiến Nga phải điều động thêm binh sỹ bảo vệ Crimea và giảm bớt hoạt động phòng thủ hoặc tấn công ở những nơi khác. Ngoài ra, việc đe dọa các phòng tuyến của Nga gần Dnieper cũng sẽ buộc các chỉ huy nước này phải rút lực lượng về phía Đông, đến gần Orikhiv.
Nhưng quy mô tương đối nhỏ của các đơn vị vượt sông cũng như những khó khăn mà Ukraine phải đối mặt khi vận chuyển hàng tiếp tế cho lực lượng ở bờ Đông sông Dnipro khiến một số người suy đoán việc thiết lập đầu cầu đổ bộ chỉ giống như một chiến thuật đánh lạc hướng, hoặc một đòn nhử buộc Nga phải rút bớt lực lượng ở các nơi khác để tăng viện cho Kherson. David Gendelman – chuyên gia quân sự Israel nhận định: “Ukraine có lẽ muốn kiềm chân Nga tại Kherson để họ không thể tăng cường hoạt động ở các mặt trận khác”.
Trái với quan điểm này, nhà phân tích Oleksandr Musiyenko nhận định, hoạt động đổ bộ của Ukraine ở bờ Đông sông Dnipro không chỉ nhằm đánh lạc hướng và kiềm chế các đơn vị Nga ở phía Nam mà còn có mục tiêu lớn hơn là tiến vào Tokmak, tiếp đến là thành phố Melitopol và Berdyansk để cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga chạy từ phía Tây Nam biên giới nước này tới Crimea. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Moscow nhằm tiếp tế cho các lực lượng tại Crimea.
Theo ông Roman Svitan, nếu Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga ra xa bờ sông thì nước này có thể đưa thêm binh sỹ và phương tiện hạng nặng sang đầu cầu đổ bộ. “Trong quá trình vượt sông, chúng tôi rất dễ bị Nga tấn công. Vì thế hoạt động này cần có sự phòng thủ kỹ lưỡng. Hiện giờ chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn đầu. Để hoàn thành việc lập tuyến phòng thủ ở bờ đông cần rất nhiều thời gian”.
Nguồn: vov.vn