Monday, December 9, 2024

Dạy học thời AI: Nhà giáo tự tạo ‘sức hút’ riêng

Theo giáo viên và sinh viên sư phạm, vai trò của người thầy trong thời trí tuệ nhân tạo (AI) không dễ ‘lung lay’, thậm chí được củng cố nhờ sự hỗ trợ từ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).

Không tránh khỏi chạnh lòng

Gần 10 năm giảng dạy ngữ văn tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), thầy Lê Dũ Bằng nhận thấy trí tuệ nhân tạo (AI) giúp học sinh dễ tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, thầy cũng trăn trở: “Tôi chạnh lòng nếu học sinh coi nhẹ bài giảng của mình vì nghĩ đã có AI trợ giúp, đồng thời sợ mình không kịp cập nhật công nghệ sẽ bị tụt hậu”.

Đây là nỗi lo chung của thầy cô giảng dạy lâu năm khi khó tiếp cận công nghệ và thiết bị dạy học hiện đại, theo thạc sĩ Viên Tuấn Anh, giáo viên bộ môn vật lý Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (tỉnh Trà Vinh). 

Thầy cô lớn tuổi cũng ít áp dụng phương pháp giảng dạy mới mà thường duy trì phương pháp truyền thống đã theo đuổi từ lâu.

Dạy học thời AI: Nhà giáo tự tạo

AI không thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy mà sẽ là công cụ hỗ trợ giáo viên

FREEPIK

Lo ngại AI phủ nhận vai trò truyền thụ kiến thức của giáo viên cũng được Nguyễn Hữu Hưng (sinh viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đặt ra tại buổi tọa đàm về thách thức và cơ hội của sinh viên trong kỷ nguyên số diễn ra tuần qua. Từ trải nghiệm dạy thêm, Hưng cho biết học sinh ngày nay có thể tra cứu mọi thứ bằng AI mà không cần hỏi giáo viên.

Gỡ rối vướng mắc trên, thạc sĩ Ngô Hữu Thống, Phó viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI), khẳng định AI không phủ nhận vai trò của giáo viên, nhưng cách truyền tải và tiếp cận người học cần thay đổi từ cung cấp kiến thức sang hướng dẫn học sinh chọn lọc thông tin và công cụ AI.

Dù AI không thay thế giáo viên, thạc sĩ Trần Thị Kim Hoàng, giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6, TP.HCM) dự đoán thầy cô có thể bị đào thải bởi những người trong ngành sử dụng thành thạo AI để giải quyết vấn đề.

Mặt khác, một số sinh viên đi dạy thêm cho rằng AI chỉ thay thế giáo viên ở mức độ nào đó. Chẳng hạn, Huỳnh Nguyễn Gia Huy (sinh viên ngành sư phạm khoa học tự nhiên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay AI có thể chấm bài trắc nghiệm, xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng… nhằm tối ưu hóa thời gian và công sức. Còn Nguyễn Lâm Nhật Minh (sinh viên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thường sử dụng AI để mô phỏng thí nghiệm trực tuyến thuộc chương trình vật lý lớp 9.

AI khó thay thế “người thầy chân chính”

Ngành giáo dục dần áp dụng AI vào giảng dạy nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy trong “sự nghiệp trồng người”. Giáo viên và sinh viên sư phạm đều cho rằng bình diện cảm xúc là điều AI không sánh kịp với người thầy “thực”. “AI chỉ có thể thay thế nhà giáo ở góc độ tìm kiếm và cung cấp kiến thức chứ không thay thế sự gắn kết về mặt tinh thần, tình thầy trò hay sức sáng tạo vô hạn của giáo viên”, thạc sĩ Viên Tuấn Anh quan niệm.

Cùng ý kiến, thạc sĩ Trần Thị Kim Hoàng nhấn mạnh: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ dễ đến trái tim hơn hàng triệu kết quả sau mỗi cú ‘click’ chuột. Hơn nữa, AI không có khả năng tạo động lực, truyền cảm hứng hoặc khai minh, dẫn dắt học trò khám phá đúng hướng”.

Dạy học thời AI: Nhà giáo tự tạo

Nhờ AI, học sinh có thể thực hành thí nghiệm qua các ứng dụng mô phỏng

HUYỀN TRÂN

Riêng môn ngữ văn, Nguyễn Trần Anh Thư (sinh viên chuyên ngành sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định AI chưa thể “chạm” tới văn học Việt Nam về mặt cảm xúc lẫn kiến thức nên giáo viên môn này vẫn có chỗ đứng. “Mỗi giáo viên có phong cách giảng dạy và ‘sức hút’ riêng. AI chỉ cung cấp kiến thức, giáo viên mới là người đưa cảm xúc vào bài giảng và khơi gợi tình yêu văn học ở học sinh”, Thư chia sẻ.

Ở góc độ khác, cô Dương Thị Huỳnh, giáo viên bộ môn sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (tỉnh Trà Vinh) nhìn nhận AI dù không có cảm xúc và không mang lại cảm xúc như con người nhưng có thể hỗ trợ giáo viên về mặt kỹ năng, chẳng hạn đưa ra cách điều chỉnh cảm xúc khi giảng dạy, cách thấu hiểu cảm xúc của học sinh…

Ngoài yếu tố cảm xúc, AI không phải “cây đũa thần” cung cấp mọi thứ một cách chính xác nên học sinh cần được giáo viên hỗ trợ kiểm chứng thông tin. Chẳng hạn, qua quá trình dạy thêm môn vật lý, Nguyễn Lâm Nhật Minh đánh giá đa phần công cụ không thông hiểu hoàn toàn chương trình học Việt Nam nên thông tin sẽ có sai lệch. Học sinh của Minh cũng thích thú với thí nghiệm thực hơn thí nghiệm ảo do phần mềm mô phỏng.

Trăn trở là động lực cho sáng kiến

Những trăn trở về vai trò người thầy thời AI có thể là động lực tạo nên sáng kiến dạy học hay. Giáo viên cho rằng đổi mới phương pháp dạy học cần thời gian để thầy trò thích ứng cũng như sự phối hợp nhịp nhàng từ giáo viên, học sinh đến định hướng chương trình giáo dục của nhà trường và địa phương.

Theo thạc sĩ Trần Thị Kim Hoàng, với sự hỗ trợ của AI, giáo viên sẽ thay thế phương pháp mang tính nhồi nhét kiến thức bằng phương pháp ưu việt, cải tiến và hoàn thiện phương pháp để nâng cao chất lượng bài giảng.

Dạy học thời AI: Nhà giáo tự tạo

Cô Trần Thị Kim Hoàng và sản phẩm sáng tạo của học sinh

NVCC

“Điều quan trọng là hiểu rõ năng lực, sở thích của mỗi học sinh để xây dựng hoạt động phù hợp, giúp từng em phát huy khả năng và hỗ trợ các học sinh khác”, cô Hoàng nói.

“Thổi làn gió mới” cho các tiết học

Thầy Lê Dũ Bằng, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), nhấn mạnh mỗi tiết học phải khơi gợi sự hứng thú ở học trò và phát huy tinh thần chủ động lĩnh hội kiến thức.

“Giáo viên giải thích cho học sinh hiểu vai trò của AI thay vì cấm sử dụng. Là cô giáo tương lai, tôi liên tục cập nhật năng lực số để tự tin trong việc định hướng học sinh cũng như hợp tác với AI nhằm giảm gánh nặng chuẩn bị bài giảng và ‘thổi làn gió mới’ cho các tiết học”, Nguyễn Trần Anh Thư (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img