Đã có thỏa thuận về việc bán ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ giữa chủ ấn và Cục Di sản văn hóa.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo vừa được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam. Người sở hữu chiếc ấn đẹp nhất thời Nguyễn này là ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), ông Hồng mua chiếc ấn này để bổ sung sưu tập cá nhân. Ấn cũng dự kiến được trưng bày tại bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã lựa chọn Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Pháp.
Công ty này đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn Hoàng đế chi bảo tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của luật Di sản văn hóa.
Ông Hồng được lựa chọn một phần vì thời điểm phía Việt Nam tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để kịp thời có cơ sở đàm phán, dừng đấu giá và yêu cầu chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước, chỉ có ông quyết định cùng tham gia mua.
Trước khi Bộ VH-TT-DL chọn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan, Cục Di sản văn hóa và công ty này đã ký cam kết. Theo đó: “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ VH-TT-DL, trên cơ sở phù hợp với quy định của điều 43 của luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam. Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế)”.
Điều này được hiểu là nếu không có nhu cầu sở hữu ấn Hoàng đế chi bảo nữa, ông Hồng chỉ có thể bán ấn lại cho Nhà nước, cụ thể là Bộ VH-TT-DL. Giá tiền mà Nhà nước mua lại khi đó sẽ tính bằng tiền thuê luật sư cộng với chi phí mua ấn từ nhà đấu giá và chi phí đưa ấn về nước.
Nguy cơ ấn Hoàng đế chi bảo bị bán ra nước ngoài đã được nêu lên tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ VH-TT-DL hồi tháng 3 vừa qua. Theo đó, có ý kiến đặt vấn đề khi chiếc ấn này thuộc quyền sở hữu tư nhân, liệu nó có thể bị bán ra nước ngoài hay không?
Về điều này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết pháp luật về di sản văn hóa có những quy định có liên quan đến ấn Hoàng đế chi bảo.
“Nếu tư nhân tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày quảng bá văn hóa Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài để tu sửa, bảo quản nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ và trình độ kỹ thuật của Việt Nam chưa thực hiện được, thì sẽ có thông tư quy định. Trường hợp đưa ra với mục đích khác thì cũng đã có thông tư ngăn chặn việc mang ra nước ngoài”, ông Thành nói.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đánh giá là chiếc ấn vàng đẹp nhất thời Nguyễn. Nó cũng là chiếc ấn mà năm 1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Cùng với chiếc ấn, vua Bảo Đại cũng trao cho cách mạng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 – 1925) trao lại cho ông. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2.9.1945.
Nguồn: thanhnien.vn