Qua Ngôi nhà của người Hà Lan (Hải Đăng Books và NXB Hội Nhà văn liên kết ấn hành, Khánh Linh chuyển ngữ), nữ văn sĩ Ann Patchett dựng nên câu chuyện về sự ích kỷ cũng như khả năng tha thứ cho những lỗi lầm từ trong quá khứ.
Ngôi nhà bị ám
Xoay quanh câu chuyện gần 5 thập niên của nhà Conroy, cuốn sách được kể từ góc nhìn của Danny, khi là một cậu bé 12 tuổi, trưởng thành, kết hôn và có cuộc sống riêng. Mọi sự bắt đầu thay đổi khi từng thành viên rời đi, từ người mẹ “biến mất” đến Ấn Độ, chị gái Maeve rời nhà để vào đại học, cha cưới mẹ kế Andrea và rồi qua đời. Trong từng chặng đường, ngôi nhà của người Hà Lan đứng đó như một chứng nhân quan trọng, đại diện cho quá trình thịnh suy của một gia tộc và những nỗi đau ẩn giấu trong mình.
Nổi tiếng với các tiểu thuyết khai thác cảm xúc cũng như ngôn ngữ giàu chất thơ, trong cuốn sách này, ngôi nhà của người Hà Lan được nữ tác giả đặc biệt gợi tả như một hình tượng mang nhiều ý nghĩa. Đó là “trái chín” cho nỗ lực vươn lên của ông Conroy với hai bàn tay trắng nhờ vận may về bất động sản, nhưng cũng đồng thời là sự chối từ của người mẹ đa cảm, khi nghĩ mình sống sung sướng trong một cơ ngơi treo toàn tranh ảnh của người Hà Lan, mà bỏ quên đi nhiều người thống khổ vẫn còn ngoài kia.
Nó là biểu tượng cho một gia đình hạnh phúc, nhưng cũng đồng thời sẽ là nguồn cơn cho những vụn vỡ, đớn đau. Đó là cả hai chị em bỗng dưng một ngày mất đi cha mẹ cũng như ký ức về hai người họ, khi mẹ kế Andrea nhẫn tâm đẩy họ ra khỏi ngôi nhà đã nuôi lớn mình. Căn nhà đứng đó như một bóng ma, rủa sả những ai dám làm kinh động cũng như xáo trộn những gì vốn có. Ngôi nhà “động đậy” chính vì những gì mà nó mang theo, cả những kỳ vọng về một cuộc sống sung túc, và cũng là sự thù ghét không thể tỏ bày mà những cá nhân bị gạt ra rìa mang theo trong mình.
Có thể thấy cuốn tiểu thuyết này có nhiều điểm giao với Bình yên nước Mỹ – tác phẩm đã từng chiến thắng giải Pulitzer 1998 của Philip Roth. Trong đó, sự giàu có và rồi phất lên của thế hệ trước đã bị đặt trong vòng tròn hoài nghi về chính thế giới còn nhiều đói khổ. Nếu như nhân vật Người Thụy Điển của Roth giàu lên nhờ nghề thuộc da, thì với Conroy, đó là kinh doanh bất động sản. Nếu như con gái của Người Thụy Điển chịu cảnh lưu đày, theo Kỳ Na Giáo như một hình phạt dành cho bản thân vì gia tộc giàu lên nhờ ủng hộ chiến tranh Việt Nam, thì bà Conroy trong cuốn sách này cũng đến Ấn Độ vì muốn chăm sóc cho những người nghèo… Nước Mỹ trong 2 tiểu thuyết đều chịu sang chấn của thời hậu chiến, khiến cho những người dễ bề tổn thương tự đục rỗng mình và những người khác.
Giữa những lựa chọn
Đa số nhân vật trong tác phẩm này đều chứa trong mình sự ích kỷ riêng, rồi làm tổn thương những người ở lại. Người mẹ bỏ đi vì nghĩ mình sống quá tốt và đó cũng là lý do bà bỏ con lại, khi tin rằng chúng sẽ được nuôi dưỡng trong sự giàu sang. Người cha lấy người phụ nữ mà mình không yêu chỉ để lấp đầy chính chỗ trống ấy, với một yêu cầu gần như duy nhất là phải yêu thích cơ ngơi mà người vợ đầu đã căm ghét nó. Rồi đến người chị bắt buộc em mình phải học ngành y để rút tỉa món tài sản hiếm hoi vì người mẹ kế đã lấy tất cả những thứ đáng lẽ thuộc về họ… Tất cả nhân vật đều đã lựa chọn những hướng rẽ sai, và rồi chính họ sẽ phải trả giá cho những điều đó.
Con người vốn luôn mê muội trước sự bất hạnh của bản thân mình, nên cái sai ấy dần biến thành cảm giác thù ghét, tiến đến trả thù, trở nên ích kỷ. Ích kỷ không chỉ trong chính động cơ của những hành động, mà còn ở đó khi họ trở về, tiếp tục mở ra những vực sâu mới, nơi việc tha thứ hoặc là căm ghét sẽ lại giam họ trong thế lưỡng nan ở ngã ba đường. Ngôi nhà của người Hà Lan như nơi tụ họp của những bóng ma mang tên căm ghét, chúng thôi không ngừng ám ảnh và gieo rắc thêm những nỗi kinh hoàng, để càng đắm chìm trong những ký ức và tổn thương đó, thì sự tha thứ là khó đạt được.
Một trong những điểm thành công của tiểu thuyết này là Ann Patchett đã tạo ra được một giọng trần thuật nằm ở rất nhiều điểm giao. Nhân vật Danny vừa sở hữu tính nam vượt trội cha trao cho mình, từ một ngoại hình gần như tương đồng cho đến sở thích kinh doanh ngành bất động sản; nhưng cũng đồng thời ẩn chứa tính nữ, bởi từ rất nhỏ đã sống trong một căn nhà toàn là phụ nữ: từ mẹ, chị gái, đầu bếp, quản gia cũng như những bức chân dung được treo khắp nhà… Xây dựng nhân vật mang tính toàn diện, có phần phức tạp và hướng mạch truyện đi theo hướng ấy đã biến Ngôi nhà của người Hà Lan trở nên đa thanh và nhiều ý nghĩa.
Tác giả đi theo hành trình trưởng thành của các nhân vật, từ đó dựng nên một tác phẩm lớn mang tính sử thi. Bà cũng triệt để xây dựng cốt truyện nhảy cóc thời gian, nằm giữa hai bờ hiện tại – quá khứ, từ đó cho thấy tuy một bối cảnh nhưng luồng suy nghĩ giờ đã khác đi, hướng các nhân vật đến sự trưởng thành cũng như giải thoát chính bản thân mình. Như thể bà viết: “Chúng ta nhìn nhận mọi thứ trong quá khứ theo quan điểm của chúng ta bây giờ, thế nên chúng ta không nhìn nhận quá khứ như chúng ta trong quá khứ. Chúng ta nhìn nó với con mắt hiện tại và điều đó hoàn toàn thay đổi quá khứ”.
Điều này góp phần mang đến cách nhìn vị tha đối với những gì đã từng xảy ra, và cũng cho thấy khi thời gian qua đi, nó sẽ trở thành chất keo để gắn kết lại, giúp những vết sẹo sẽ được chữa lành. Một khi buông bỏ được những sai lạc, con người nhìn lại và có thể thấy mình đã chìm trong bức màn ảo ảnh đầy sự căm ghét đến như thế nào. Một cuốn tiểu thuyết được viết với nhịp điệu hấp dẫn, ngôn ngữ tinh tế và một cốt truyện không ngừng khiến ta lật trang.
Ann Patchett sinh năm 1963, là nhà văn người Mỹ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, bà đã được đề cử và nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó đáng chú ý là giải PEN/Faulkner năm 2002 và giải Orange (tiền thân của giải Women’s Prize for Fiction) cho cuốn tiểu thuyết Bel Canto. Năm 2019, Ngôi nhà của người Hà Lan ra mắt, và đã lọt vào chung khảo giải Pulitzer năm 2020 ở hạng mục tiểu thuyết.
Nguồn: thanhnien.vn