Tại buổi trình diễn, lễ hỏi chồng, rước rể của người phụ nữ Ê đê diễn ra theo các nghi thức: lễ hỏi (lễ đưa vòng), thỏa thuận về lễ vật thách cưới, lễ rước rể, đón rể vào nhà… Sau lễ cưới, chàng trai về ở bên nhà vợ.
Ngày 18.11, tại TP.Buôn Ma Thuột, trong khuôn khổ các hoạt động mở màn Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk (từ 18 – 20.11), Sở VH-TT-DL Đắk Lắk và UBND TP.Buôn Ma Thuột tổ chức trình diễn nghi thức “rước rể” trong lễ cưới của người Ê đê.
Thực hiện trình diễn nghi thức này là bà con buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột.
Trong lời giới thiệu, ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho biết văn hóa truyền thống của người Ê đê theo chế độ mẫu hệ; vì thế vai trò người phụ nữ rất quan trọng, thường là chủ hộ trong gia đình. Phụ nữ Ê đê có vai trò, quyền lực đặc biệt trong gia đình; trong đó quyền cưới chồng là một trong những quyền quan trọng. Khi người con gái ưng bụng chàng trai nào thì về nói với cha mẹ, nhờ người mai mối đến cưới hỏi làm chồng.
“Theo phong tục, thường thì sau mùa rẫy, nhân ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy kho, ủ được nhiều rượu cần, nhà có nhiều vật quý, trâu bò gà heo…, cô gái Ê đê có thể đi hỏi chồng. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, ngày nay với cuộc sống ngày càng phát triển, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn, nhưng thông qua hoạt động này, thế hệ trẻ được tìm hiểu, tiếp cận phong tục tập quán truyền thống, giữ gìn các nghi thức cưới hỏi, văn hóa truyền thống mẫu hệ, nét sinh hoạt văn hóa hôn nhân độc đáo của người Ê đê ở Tây nguyên.
Tại buổi trình diễn, lễ hỏi chồng, rước rể của người phụ nữ Ê đê diễn ra theo các nghi thức: lễ hỏi (lễ đưa vòng), thỏa thuận về lễ vật thách cưới, thủ tục “gửi dâu”, lễ rước rể, đón rể vào nhà. Sau lễ cưới, chàng trai về ở bên nhà vợ.
Trong căn nhà dài, trước khi đưa rể về nhà vợ, hai bên dòng họ nhà trai và nhà gái ngồi lại cùng nhau “đàm phán” trong lễ xin phép cha mẹ chồng. Theo đó, người cậu (dăm dei) thay mặt nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa, món nào còn thiếu hôm nay sẽ trả đủ. Sau đó, trước sự chứng kiến của hai dòng họ, người cậu đại diện nhà gái xin phép họ nhà trai làm lễ rước rể về nhà vợ theo đúng phong tục của dân tộc mình.
Tiếp đó là lễ công nhận đôi vợ chồng. Nhà gái đã trả đủ các lễ vật thách cưới của nhà trai. Ông cậu nhắc nhở hai vợ chồng trẻ: “Sau lễ này rượu đã cột, heo đã nướng, hai người chính thức gọi nhau là vợ là chồng, phải yêu thương nhau không được đổi thay, cùng siêng năng làm rẫy, nuôi dạy con cái. Chiếc vòng đồng đeo vào tay đôi trẻ là nhắc phải sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều sai trái trong cuộc hôn nhân này sẽ phải bồi thường đầy đủ sính lễ của lễ cưới”…
Lễ cưới sau đó kết thúc trong sự chung vui bên những ché rượu cần của hai bên họ nhà trai, nhà gái và bữa cơm đầu tiên cùng gia đình nhà gái của đôi vợ chồng mới cưới.
Sau đây là một số hình ảnh lễ cưới “trình diễn” của người Ê đê:
Nguồn: thanhnien.vn