Diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/11, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics và vận tải hàng không khu vực và thế giới đã hội tụ lại chuỗi hội nghị – triển lãm “Transport Logistic Southeast Asia” và “Air Cargo Southeast Asia” tại Sands Expo & Convention Centre (Singapore), để thảo luận và chia sẻ về những triển vọng và giải pháp đột phá trong ngành vận tải, hậu cần.

ITL tiên phong đưa logistics Việt Nam hội nhập

Hội nghị – Triển lãm “Transport Logistic Southeast Asia” và “Air Cargo Southeast Asia” tại Sands Expo & Convention Centre, Singapore.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quy mô thị trường vận tải và hậu cần châu Á – Thái Bình Dương ước tính đạt 3,35 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 4,56 nghìn tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 5,24% trong giai đoạn 2023-2029, theo Mordor Intelligence.

Trong đó, từ những thách thức sau đại dịch, cùng với việc nhiều công ty áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” để mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và địa điểm sản xuất, Đông Nam Á được xem là thị trường sôi động hàng đầu.”Đông Nam Á là một trung tâm thương mại năng động. Vận tải hậu cần Đông Nam Á mang đến cho khách hàng khả năng tiếp cận nhiều cơ hội thị trường” Michael Wilton, CEO MMI Asia, nhà tổ chức chuỗi sự kiện cho biết.

Tại khu vực này, bên cạnh những trung tâm hàng đầu như Singapore, Thái Lan, hay Malaysia, Việt Nam đang có triển vọng nổi lên thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa mới, cùng góp phần vào sự mở rộng của dòng chảy thương mại quốc tế. 

Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 558,33 tỷ USD. Tính theo khối lượng, hàng hóa thông qua cảng biển 10 tháng đầu 2023 ước đạt 624,559 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, theo Cục Hàng hải.

Trong khi đó, trung bình hàng năm, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng máy bay của Việt Nam đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Riêng 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không của Việt Nam là 887,5 nghìn tấn, với quốc tế chiếm 637 nghìn tấn và nội địa 250,4 nghìn tấn, theo Cục Hàng không.

Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi bao gồm cơ sở hạ tầng vận tải từ kho bãi đến đường sá, cảng biển, sân bay liên tục được nâng cấp và mở rộng. Điều này nhờ vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đứng đầu ASEAN, luôn chiếm trên 6% trong tổng GDP hàng năm. Song song đó, ngoại thương liên tục mở rộng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số trung lưu lớn tạo ra nhu cầu mạnh mẽ. 

“Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn nhất khu vực. Vì vậy, việc gom hàng hóa ở Việt Nam có ý nghĩa hơn là ở Campuchia, Lào hay những nơi khác. Ngoài ra, Việt Nam đang trở thành chiến lược hơn đối với nhiều công ty, đặc biệt là các công ty Mỹ”, ông Alexander Olsen, Phó chủ tịch Khối vận tải quốc tế và thương mại, Tập đoàn ITL phân tích điều kiện thuận lợi.

Sự chủ động của các nhà tiên phong trong ngành logistics cũng góp phần quan trọng vào động lực hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa mới khu vực tại Việt Nam. Là một trong hai đại diện tham dự “Transport Logistic Southeast Asia” và “Air Cargo Southeast Asia”, gian hàng rộng 18m2 của ITL đã đón tiếp hàng trăm khách hàng và đối tác trong 3 ngày diễn ra sự kiện, không chỉ giới thiệu năng lực của tập đoàn mà còn cung cấp thông tin cập nhật nhất bức tranh thị trường Việt Nam đến khách hàng quốc tế. 

“Sự hiện diện của ITL tại hội nghị & triển lãm tầm cỡ khu vực tiếp tục khẳng định Việt Nam ngày càng sẵn sàng trong vai trò sớm trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, với khả năng kết nối liền mạch từ trên không đến trên biển, đủ năng lực cung cấp các giải pháp theo nhu cầu cho nhà sản xuất lẫn thương mại điện tử”, ông Tony Anh – Phó Tổng Giám Đốc & Phó chủ tịch Khối dịch vụ vận chuyển hàng không của ITL cho biết. 

ITL tiên phong đưa logistics Việt Nam hội nhập

Gian hàng ITL đón tiếp hàng trăm khách hàng và đối tác tham quan trong 3 ngày diễn ra sự kiện.

Với vận chuyển hàng không nội địa tại Việt Nam, cũng như liên Đông Nam Á, ITL là doanh nghiệp dẫn đầu từ những năm 2000, đại lý GSA của 23 hãng hàng không; khai thác vận chuyển hàng trong hơn 200 chuyến bay mỗi tuần, với năng suất có thể đạt tới 150.000 tấn hàng mỗi năm. Bên cạnh đó, ITL cũng là đối tác lý tưởng với các hàng hàng không, khi đặt vấn đề khai thác thị trường tại Việt Nam.

Năng lực vận tải hàng không này kết hợp với hơn 5 cảng và ICD từ Bắc tới Nam, 500 xe tải và containers, 30 sà lan và tổng diện tích kho bãi lên đến gần 500.000 m2 đã giúp ITL dẫn đầu trong việc cung cấp các giải pháp logistics đa dạng – từ vận chuyển hàng hóa quốc tế End2End, cho đến các dịch vụ liên quan đến Cold Chain – trong suốt thời gian qua, tạo ra dịch vụ liền mạch trên biển – trên bộ và trên không cho nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

“Phần lớn khách hàng của chúng tôi muốn sử dụng Việt Nam làm trung tâm trung chuyển. Họ muốn sản xuất ở Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam, sau đó sử dụng Việt Nam làm trung tâm cho khu vực Đông Dương”, ông Alexander Olsen cho biết thêm. 

Nắm bắt nhu cầu này, ITL khẳng định sẽ tiếp tục phát triển dịch vụ logistics tích hợp toàn diện nhằm mang đến những hỗ trợ tốt nhất cho việc vận chuyển hàng hóa giao thương của doanh nghiệp, đồng thời đưa ngành vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu.