Theo hãng CNN, dù giá cả tăng cao nhưng sức mua của người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì và tăng mạnh trong suốt 2 năm qua.
Sức chi tiêu cao của người tiêu dùng Mỹ trong thời gian qua đã giúp nền kinh tế phát triển tương đối mạnh mẽ nhưng hành động này có thể sớm thay đổi.
Một số chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa chi phí nhà ở cao, nợ thẻ tín dụng gia tăng và khoản tiết kiệm thu hẹp có thể sắp kết thúc đợt chi tiêu mạnh của người dân Mỹ thời hậu Covid.
Bà Erik Lundh, nhà kinh tế trưởng tại The Conference Board nhận định những cơn gió ngược cuối cùng sẽ buộc người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng và tôi cho rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ buộc phải giảm chi tiêu trong thời gian tới.
Chi phí nhà ở cao nhất trong 40 năm qua
Theo nghiên cứu từ Intercontinental Exchange (ICE), việc mua và trả tiền mua nhà hiện khiến người Mỹ tốn kém hơn bất kỳ thời điểm nào trong 4 thập kỷ gần đây. Nhờ nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung nhà mới hạn chế – ngay cả khi lãi suất thế chấp đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua – hiện tại, thu nhập hàng tháng của một hộ gia đình trung bình phải mất gần 41% để đủ khả năng thanh toán cho một ngôi nhà có mức giá trung bình. Đây là mức chi phí nhà ở cao nhất kể từ năm 1984.
Thanh toán nhà ở chỉ là một phần của vấn đề. Lãi suất thế chấp cố định 30 năm của tập đoàn cho vay thế chấp hàng đầu của Mỹ Freddie Mac tính đến ngày 16/11 là 7,44%. Một người mua nhà mới vào tháng 10 năm 1981 có lãi suất thế chấp là 18,45% ( ước tính chiếm 55% thu nhập trung bình).
Nhưng giá nhà trung bình trong tháng đó thấp hơn nhiều so với hiện nay – 70.399 USD (231.902 USD theo đô la năm 2023) – định giá gấp 3,69 lần thu nhập trung bình. Giá nhà trung bình trong hai năm qua dao động từ khoảng 5,5 đến 6 lần thu nhập trung bình – 445.567 USD tính đến tháng 10. Tỷ lệ đó cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi ICE bắt đầu thu thập dữ liệu, kể cả thời kỳ bong bóng nhà đất vào giữa những năm 2000.
Người Mỹ đang gánh nhiều nợ hơn bao giờ hết
Lạm phát cũng ảnh hưởng đến chi tiêu cho các giao dịch mua lớn. Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang New York, số dư đối với các khoản cho vay không liên quan đến nhà ở đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2003, lên tới khoảng 4,8 nghìn tỷ USD.
Hơn 500 tỷ USD trong khoản nợ đó được tích lũy chỉ trong hai năm qua – một bước nhảy vọt lớn hơn bất kỳ khoảng thời gian hai năm nào khác kể từ năm 2003.
Một phần khoản nợ đến từ giá ô tô tăng vọt nhưng số dư thẻ tín dụng đang tăng nhanh nhất – khoảng 34% kể từ mùa thu năm 2021. Trong khi đó, số dư khoản vay sinh viên và khoản vay mua ô tô đã tăng từ 10% trở xuống trong cùng khoảng thời gian này. Nợ vay dành cho sinh viên có thể bắt đầu tăng lên khi các khoản thanh toán đã được nối lại.
Việc theo kịp mức giá cao không chỉ dẫn đến nợ thẻ tín dụng nhiều hơn mà còn có nhiều người tiêu dùng chậm thanh toán. Trong quý thứ ba, 5,78% số dư thẻ tín dụng đã quá hạn nghiêm trọng (chậm thanh toán từ 90 ngày trở lên), chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các khoản nợ quá hạn nghiêm trọng mới. Kể từ quý 1 năm 2022, tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn nghiêm trọng mới đã tăng khoảng 90%.
Nợ vay dành cho sinh viên trước đây có tỷ lệ nợ quá hạn nghiêm trọng lớn nhất cho đến khi chính phủ liên bang tạm dừng thanh toán vào tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19.
“Vận may giảm dần”
Một nghiên cứu do Cục Dự trữ Liên bang San Francisco công bố hồi đầu năm nay đã tiết lộ manh mối quan trọng giải thích lý do tại sao người tiêu dùng vẫn duy trì sức mua tốt là bởi lãi suất tiết kiệm vượt mức cao.
Theo SF Fed, các hộ gia đình đã tiết kiệm thêm hàng trăm tỷ đô la mỗi tháng trong năm 2020 và 2021. Theo nghiên cứu của Fed New York, từ quý 2 năm 2020 đến cuối năm 2021, 14 triệu khoản thế chấp đã được tái cấp vốn, dẫn đến ước tính khoảng 430 tỷ USD vốn chủ sở hữu sẽ bị rút ra thông qua các khoản thanh toán hàng tháng thấp hơn hoặc rút tiền mặt.
Bởi tình trạng phong tỏa và ảnh hưởng mạnh của Covid-19, người tiêu dùng ngại ra ngoài. Điều đó có nghĩa là tất cả số tiền lẽ ra được chi cho hàng hóa và trải nghiệm sẽ được dồn vào heo đất của mọi người.
Ông Lundh cho biết khi đại dịch Covid-19 suy yếu, người tiêu dùng giải phóng nhu cầu bị dồn nén và trong hai năm qua, người Mỹ đã tiêu hết số tiền tiết kiệm đó, ngay cả khi giá cả và lãi suất ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lundh, đến thời điểm nhất định, khoản nợ này trở nên không bền vững và số tiền tiền tiết kiệm không còn nữa. Diễn biến này được dự đoán có thể xảy ra với người tiêu dùng Mỹ vào cuối năm nay và đầu năm 2024./.
Nguồn: toquoc.vn