Saturday, November 30, 2024

SIM rác, cuộc gọi rác… vẫn ‘rác’

Sau nhiều nỗ lực, thực tế, cuộc gọi mời chào dịch vụ, lừa đảo trực tuyến từ sim rác vẫn hiện hữu.

Để loại bỏ sim rác, cuộc gọi rác, hàng chục triệu người dân đã đi chuẩn hóa thông tin thuê bao theo yêu cầu. Cơ quan quản lý cam kết nhà mạng ngừng bán SIM qua đại lý nhưng thực tế bất kỳ ai vẫn có thể dễ dàng mua tại các đại lý hay trên các sàn thương mại. Cơ quan quản lý khẳng định có biện pháp mạnh tay với cuộc gọi rác.

Theo công bố của Bộ Thông tin và truyền thông đã có hàng triệu SIM bị thu hồi. Nhưng, vì sao, người dân vẫn hàng ngày phải nhận cả chục cuộc gọi rác một ngày. Đâu là những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, và còn tồn tại gì.

Cuộc gọi rác có thể bắt nguồn từ sim rác. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, 1,5 triệu sim phát hành mới hàng tháng, có đến 80% SIM được phát hành từ các đại lý, điểm bán ủy quyền. Cách đây 3 tháng, mốc thời gian mà các nhà mạng đã cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngừng phân phối Sim qua các đại lý bán lẻ và chỉ bán qua các hệ thống để kiểm soát được việc định danh.

Ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Chúng tôi đã làm việc với các nhà mạng yêu cầu chấn chỉnh. Các nhà mạng đều cam kết với lãnh đạo Bộ sẽ dừng các đại lý phát triển lộn xộn như thế này. Từ ngày 10/9 sẽ dừng các đại lý và chỉ tập trung vào các kênh chuỗi có hệ thống có người làm, còn đại lý chỉ ngồi và ‘ném’ SIM ra thị trường”.

SIM rác, cuộc gọi rác… vẫn

Nhưng thực tế, bất cứ ai cũng có thể mua SIM rác, SIM không chính chủ tại nhiều cửa hàng. Giá bán vào khoảng 60.000-70.000 đồng/SIM.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều đại lý “lách luật” thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác. Đây là một trong những “lỗ hỗng” phát tán tràn lan SIM rác. Nếu muốn mua SIM 4G giá rẻ, người mua cũng dễ dàng tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Lazada, Shopee, Tiki…. Trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok… dễ dàng tìm thấy người bán đủ các loại SIM của các nhà mạng di động tại Việt Nam.

Liên quan đến Cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định đây là vấn đề nhức nhối, hết sức tinh vi. Đối với các cuộc gọi lừa đảo mạo danh các cơ quan công quyền, tới đây Bộ sẽ triển khai giải pháp kĩ thuật định danh cuộc gọi của các cơ quan này. Còn với cuộc gọi rác, cũng sẽ có những biện pháp xử lý mạnh tay. Và cơ quan chức năng đã đưa ra các giải pháp cách đây 3 tháng

Ông Phạm Đức Long – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp có đăng kí quảng cáo telemarketing thì phải đăng kí brandname. Thanh tra Bộ, thanh tra các địa phương sẽ tăng cường xử phạt các doanh nghiệp nếu như có cuộc gọi quảng cáo mà không đăng kí Brandname, lấy số điện thoại thường gọi thì sẽ bị xử phạt”.

Rác thải nếu không xử lý thì sẽ làm ô nhiễm môi trường. SIM rác hay cuộc gọi rác không xử lý thì làm ô nhiễm viễn thông. Hệ lụy của ô nhiễm viễn thông là lừa đảo, là trục lợi, mạo danh và hàng loạt các vi phạm pháp luật khác.

Khi thời đại công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và kỷ nguyên số phát triển như vũ bão, mà viễn thông là nòng cốt thì việc ‘rác’ viễn thông sẽ để lại hậu họa khôn lường. Đã đến lúc mạnh tay xử lý để trả lại một môi trường viễn thông ‘xanh’ theo đúng nghĩa xanh!

Ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty an ninh mạng SCS sẽ cùng bàn luận để làm rõ về vấn đề này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img