Cơ quan giám sát cạnh tranh và thị trường đang điều tra mối quan hệ hợp tác giữa tập đoàn công nghệ Microsoft và công ty khởi nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI.
Theo thông báo ngày 8/12, Cơ quan giám sát cạnh tranh và thị trường (CMA) của Anh đang lấy ý kiến từ cả hai doanh nghiệp Mỹ này, cùng các bên thứ ba có liên quan. CMA nêu rõ, mục đích của cuộc điều tra là nhằm xác định liệu mối quan hệ đối tác “bao gồm cả những phát triển gần đây” giữa Microsoft và OpenAI có “dẫn đến tình huống sáp nhập giữa hai bên hay không và nếu trường hợp này xảy ra, vụ sáp nhập có thể gây ảnh hưởng thế nào đối với sự cạnh tranh tại Anh”.
Cuộc điều tra được tiến hành trong bối cảnh hồi cuối tháng trước, Microsoft thông báo rằng một đại diện của “người khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm” này đã được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị mới của OpenAI với tư cách quan sát viên. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nội bộ OpenAI rơi vào tình trạng hỗn loạn do hội đồng quản trị của công ty ở thời điểm đó đã sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman và rồi lại mời ông quay trở lại làm việc vì vấp phải làn sóng phản đối từ nhân viên và các nhà đầu tư.
Theo lập luận của CMA, các tiêu chí đáp ứng “tình huống sáp nhập có liên quan” có thể bao gồm “việc mua lại cổ phần thiểu số hoặc, trong một số trường hợp, là các thỏa thuận thương mại như thỏa thuận gia công phần mềm”.
CMA cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả cơ hội và rủi ro cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải cạnh tranh bền vững” giữa những công ty tham gia lĩnh vực phát triển AI.
Đáp lại diễn biến trên, trong tuyên bố gửi tới báo giới, ông Brad Smith – Chủ tịch Microsoft – khẳng định: “Kể từ năm 2019, chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ đối tác với OpenAI để thúc đẩy nhiều đổi mới và cạnh tranh hơn trong lĩnh vực AI, song vẫn duy trì sự độc lập cho cả hai công ty. Điều duy nhất đã thay đổi là Microsoft giờ đây sẽ có một giám sát viên không có quyền bỏ phiếu trong hội đồng quản trị của OpenAI, điều này rất khác so với thương vụ mua lại, như thương vụ mua DeepMind của Google ở Anh. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với CMA để cung cấp tất cả những thông tin mà họ cần”.
Trước đó, vào tháng 11, theo thông tin từ tạp chí Wired, hơn 730 nhân viên của OpenAI đã ký vào bức thư cho biết họ có thể nghỉ việc và gia nhập Microsoft, trừ khi hội đồng quản trị của công ty này từ chức. Trong nội dung của bức thư, các nhân viên của OpenAI cho rằng, quá trình sa thải cựu CEO Sam Altman và loại Greg Brockman khỏi hội đồng quản trị đã gây nguy hiểm cho tất cả vị trí công việc và làm suy yếu sứ mệnh của công ty. Hành vi đó thể hiện rõ rằng hội đồng quản trị hiện tại không có đủ năng lực để giám sát OpenAI.
Microsoft hiện đã thành lập một nhóm nghiên cứu AI tiên tiến với sự tham gia của Sam Altman và Greg Brockman. Trong đó, Sam Altman được đề nghị làm CEO để lãnh đạo bộ phận mới của Microsoft. Theo The Verge, đây là động thái bất thường của Microsoft vì hãng chỉ sử dụng chức danh CEO cho lãnh đạo các bộ phận lớn như Microsoft Gaming hoặc các công ty được mua lại như LinkedIn và GitHub.
Sam Altman và hội đồng quản trị OpenAI cũng có buổi đàm phán đầu tiên không thành công vào ngày 19/11. Điều này khiến hơn 700 trong số 770 nhân viên của OpenAI tức giận và cùng ký vào bức thư dọa nghỉ việc nếu mọi thứ không được làm sáng tỏ.
Chiều ngày 21/11, Sam Altman đã ngồi vào bàn đàm phán đàm phán lần hai với OpenAI. Ngày 22/11, OpenAI thông báo, Sam Altman đã đồng ý quay trở lại làm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty phát triển trí tuệ nhân tạo này.
Nguồn: vtv.vn