Cơ hội nào cho Slimcase?

Mang đến Shark Tank tập mới nhất tham vọng đứng đầu thị trường ốp điện thoại toàn cầu, Slimcase ra giá cho dàn “cá mập” của chương trình 500.000 đô la Mỹ cho 12% cổ phần. Được biết, Slimcase là một thương hiệu mới được thành lập chuyên bán mặt hàng phụ kiện điện tử điện thoại như ốp lưng, kính cường lực, các sản phẩm theo công nghệ kết nối không dây (magsafe), v.v..

Theo nhà sáng lập Slimcase thì những chiếc ốp điện thoại siêu mỏng chính là sản phẩm chủ lực của họ. Sản phẩm đó có giá từ 400.000 – 500.000đ/chiếc và được thiết kế mỏng nhẹ. Theo giám đốc bán hàng của Slimcase, sản phẩm của họ là ốp lưng mỏng gần như nhất thế giới, ốp lưng có tích hợp công nghệ kết nối không dây chỉ 1mm – mỏng hơn cả ốp của Apple.

Slimcase bắt đầu khởi nghiệp ở Singapore và hiện tại có mặt ở 20 quốc gia. Doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt 1,7 tỷ đồng, năm 2021 là 14,3 tỷ đồng và 2022 là 34 tỷ, tỷ suất nhuận 15%. Năm nay, Slimcase dự định doanh thu 45 tỷ, lợi nhuận 7 tỷ đồng. Đến 2024, dự kiến doanh thu có thể đạt 120 tỷ đồng.

Công ty chủ yếu phân phối qua kênh trực tuyến, với 7 thị trường chính. Trong đó, Việt Nam đóng góp 37% tổng doanh thu – chiếm tỷ trọng lớn nhất, thứ hai là Philippines với khoảng 23% tổng doanh thu.

Theo nhà sáng lập Slimcase Hải An: “Ngành này chưa có doanh nghiệp nào là ‘top of mind’ và đó là mục tiêu của chúng tôi”.

Cuối cùng, Slimecase đã được 3 “cá mập” đầu tư tổng cộng 12 tỷ đồng.

Thị trường ốp lưng

Cơ hội nào cho Slimcase?

Sự phát triển của thị trường ốp điện thoại gắn liền với sự phát triển của điện thoại thông minh. Theo Grand View Research, giá trị thị trường được dự báo ở mức 23, 62 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, dự kiến đạt 41,42 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Châu Á Thái Bình Dương thống trị thị trường ốp bảo vệ điện thoại di động với thị phần 47,6% vào năm 2022. Điều này là do sự gia tăng của điện thoại thông minh ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong các báo cáo đều nhận xét thị trường ốp điện thoại có tính cạnh tranh cao nhưng đang bị phân mảnh, không có “kẻ đứng đầu” trong tâm trí khách hàng. Hơn nữa thị trường này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi một số hoạt động chiến lược như mở rộng, sáp nhập và mua lại cũng như đổi mới sản phẩm và công nghệ của các nhà sản xuất chính. Bởi vậy nó đòi hỏi các công ty trong ngành phải linh hoạt với những thay đổi của các hãng sản xuất điện thoại và những công nghệ mới.

Ngoài các đơn vị “chính hãng” như Apple hay Samsung thì thị trường còn có rất nhiều hãng cũng có tiếng làm ốp lưng. Có thể kể Otter bán ốp lưng các loại từ cơ bản đến hiện đại dùng công nghệ magsafe sạc không dây với giá từ khoảng 1.600.000 tới 2.500.000đ. Theo sau là Apple với giá  từ 800.000đ tới khoảng 1.500.000đ. Các hãng như CG Mobile, Incipio, LLC, Amazer, v.v. đều có mức giá trong khoảng từ 400.000đ tới 1.500.000đ. Công ty TNHH Điện tử Ipaky Thâm Quyến của Trung Quốc thì cung cấp thêm cả những sản phẩm ốp rẻ hơn hẳn giá khoảng 100, 200 nghìn đồng. Các sản phẩm và mức giá trong thị trường ốp lưng rất đa dạng, đều được cập nhật theo các mẫu điện thoại mới nhất.

Cơ hội nào cho Slimcase?

Cơ hội nào cho Slimcase?

Trong chương trình, Slimcase nhấn mạnh với các “cá mập” rằng điểm mạnh của họ là thiết kế siêu mỏng nhẹ và giá thành rẻ. Trước hết về mặt giá thành, hiện tại sản phẩm của Slimcase có giá từ 379.000 tới 595.000đ. Đây là một mức giá khá hợp lý, nhưng không phải là mức giá đặc biệt rẻ trên thị trường. Nếu chỉ xét riêng về dòng ốp magsafe tích hợp sạc không dây thì giá thành của Slimcase mới có lợi thế cạnh tranh với giá 500 tới 600 nghìn đồng. Bởi các hãng đều bán ốp tích hợp sạc không dây magsafe này với mức giá khoảng từ 800 cho tới 1 triệu 500. 

Đối với thiết kế, Giám đốc Hải An chia sẻ, công ty hợp tác một số đội ngũ trên thế giới tại Nga, Ý để thiết kế sản phẩm, có đăng ký bản quyền ở Trung Quốc – nơi sản phẩm được sản xuất. Giám đốc cũng khẳng định sản phẩm của họ rất khó sao chép.

Tuy nhiên, những điểm mạnh này của Slimcase lại liên tục bị các “cá mập” đặt câu hỏi. Shark Hùng Anh cho rằng việc đăng ký bản quyền ở Trung Quốc không có ý nghĩa do các mẫu iPhone ra mắt hằng năm, liên tục. Còn Shark Bình cho rằng không có sản phẩm nào khó sao chép. Theo ông, ngay chính các nhà máy hay khi đặt hàng gia công, bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển ở Trung Quốc, khi thấy một mã hàng nào được đặt nhiều thì thông tin sẽ được truyền đi và ngay lập tức họ có thể sản xuất sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.

Sau khi bị hỏi xoáy vào những vấn đề như mục tiêu và tính độc đáo của sản phẩm, đội ngũ sáng lập Slimcase đều tỏ ra bối rối, không đưa ra được những câu trả lời chắc chắn. Và đối với những câu hỏi về tiềm năng thị trường hay làm sao để đạt 120 tỷ, vị Giám đốc của Slimcase cũng chỉ tiếp tục trả lời chung chung, lặp lại rằng hiện không có thương hiệu nào tập trung vào tính mỏng nhẹ, các hãng lớn đang tập trung phát triển dải sản phẩm rộng hơn. Những câu trả lời này chưa thỏa mãn vị “cá mập” Louis và Tuệ Lâm vì không có con số ước tính cụ thể.

Như vậy là đội ngũ sáng lập Slimcase vẫn chưa bảo vệ được điểm mạnh của sản phẩm trước dàn “cá mập”. Xét về giá cả và thiết kế độc đáo thì hiện tại Slimcase cũng không thực sự chiếm ưu thế. Trên thế giới còn rất nhiều hãng cung cấp ốp lưng có giá thành rẻ hơn và sản phẩm cũng đa dạng chủng loại hơn. Bởi vậy mặc dù nhận được đầu tư từ 3 vị “cá mập” nhưng con đường chiếm lĩnh thị trường trở thành “top of mind” – thương hiệu đứng đầu trong tâm trí khách hàng của Slimcase có vẻ vẫn còn khá dài.