Ngày 11/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V tại Quảng Ninh.
Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từ năm 2019 đến nay, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên và có quy mô lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn là sự kiện quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm tham dự, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đón nhận.
Ngày 11/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Diễn đàn là sự kiện lớn của ngành nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 4 năm qua; truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Tháng 12 cũng là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam đến giờ có lẽ vẫn là nước duy nhất trên thế giới có ngày vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, diễn đàn là thời điểm để nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam – làm ra tại Việt Nam – của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD. Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với sứ mệnh Make in Viet Nam: nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. Muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông kêu gọi: “Hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành.
Năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết lại: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường, thịnh vượng”.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết: “Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp cùng đông đảo các đại biểu thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và tìm ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là mối quan tâm, mục tiêu của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung có những định hướng xây dựng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy, hoàn thành các mục chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong các chủ trương, định hướng của Trung ương và các địa phương”.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra lễ công bố Sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định về việc công nhận một số sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất thuộc danh mục Sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Các sản phẩm bao gồm: thiết bị mạng viễn thông 5G (mạng thu phát sóng vô tuyến 5G gNodeB, mạng lõi, thiết bị truyền dẫn) và chip xử lý trong thiết bị 5G. Các sản phẩm này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Quyết định về việc công nhận một số sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất thuộc danh mục Sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm
Chương trình diễn đàn bao gồm 1 phiên chính và các phiên chuyên đề. Tại phiên chính buổi sáng, các diễn giả chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng số tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Tại các phiên chuyên đề vào buổi chiều, các diễn giả sẽ trao đổi, thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế. Các diễn giả cũng trao đổi, thảo luận về những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.
Cũng tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc nhằm giải các bài toán Việt Nam và thế giới.
Top 10 Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 ở các hạng mục
Vinh danh các giải Đồng của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023
Vinh danh các giải Bạc của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023
Vinh danh các giải Vàng của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023
Tại diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra những thông điệp động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số để xây dựng vị thế ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ thế giới, định hướng cho ngành công nghệ công nghệ số Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ được vinh danh tại Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC… có tiềm lực, đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia.
“Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, do đó, vị thế, uy tín của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới phụ thuộc rất lớn vào sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp công nghệ, sự sáng tạo các sản phẩm số” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hoạt động bên lề diễn đàn cũng rất đáng chú ý, đó là triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp về các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, thể hiện năng lực của các doanh nghiệp công nghệ số phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan khu vực triển lãm
Nguồn: vtv.vn