Tuesday, November 26, 2024

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

“Nên đi đường Đông Trường Sơn vì phía tây hẻo lánh, địa hình đèo dốc liên tục lại thường gặp sương mù, chẳng may xe bị hỏng hóc hoặc lốp xì xẹp chỉ có cách bỏ xe chứ không thể nhờ ai cứu giúp”.

 

Huyện biên giới Hướng Hóa đón tôi bằng cơn mưa dầm dề suốt từ cầu Đắk Rông qua đường 9 rồi tới tận thị trấn Khe Sanh vẫn chưa dứt. Trời bắt đầu se lạnh, trái ngược thời tiết khô hanh của Đông Trường Sơn mà tôi đã trải nghiệm trong mấy ngày qua.

Hiện tượng này do ảnh hưởng khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn. Thay vì chạy tiếp vào thị trấn Lao Bảo, do mưa, tôi buộc phải dừng chân ngủ qua đêm tại một nhà nghỉ tọa lạc ngay ngã ba đường 9 – Khe Sanh kề cận tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Đây cũng là điểm khởi đầu của Tây Trường Sơn.

Chiến trường khốc liệt xưa

Sáng sớm, khi được biết tôi dự định đi Quảng Bình qua cung đường Tây Trường Sơn, ông chủ nhà nghỉ vốn là tài xế chuyên chở phế liệu ở Quảng Trị đã khuyên nhủ: “Nên đi đường Đông Trường Sơn vì phía tây hẻo lánh, địa hình đèo dốc liên tục lại thường gặp sương mù, chẳng may xe bị hỏng hóc hoặc lốp xì xẹp chỉ có cách bỏ xe chứ không thể nhờ ai cứu giúp”.

Tuy lo lắng nhưng tôi quyết không thay đổi và tự trấn an mình bằng cách ra trạm bảo hành thay mới lốp, ruột cả 2 bánh xe, ngoài ra thay nhớt, đổ đầy bình xăng kèm theo can 5 lít dự phòng.

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

Trực thăng UH1 và CH-47 – Chinook trưng bày tại di tích phi trường Tà Cơn

Điểm đến đầu tiên của tôi trên cung đường nhánh tây là sân bay Tà Cơn – căn cứ đầu cầu hàng không cỡ lớn dành cho máy bay chiến đấu, vận tải chi viện cho tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của quân đội Mỹ trong những năm 1966 – 1968. Nơi này là mắt xích quan trọng liên kết với các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, căn cứ hỏa lực pháo binh Camp Carroll, đài quan sát trên đồi Rockpile, hệ thống hàng rào điện tử McNamara, đồn bốt… hình thành phòng tuyến có chiều dài hơn 100 km chạy song song với sông Bến Hải từ biển Cửa Việt đến biên giới Việt – Lào. 

Tuy không gian Tà Cơn hôm nay đã được thu hẹp, nhường chỗ cho người dân tận dụng đất trống để trồng cây cà phê, rau củ và cũng không còn đường băng dài hun hút như trong thời chiến. Nhưng những chiếc máy bay chuyên vận tải khí tài, lính trận: C-130 Hercules, máy bay lên thẳng CH-47 – Chinook, trực thăng UH1 từng tham chiến ở Việt Nam… Cùng với đó là xe tăng, thiết giáp, hệ thống giao thông hào, đài quan sát không lưu ngoài trời và một bảo tàng trưng bày vũ khí quân dụng… vẫn đủ sức thu hút những đoàn khách đến từ mọi nơi trên hành trình khám phá chiến trường xưa.

Không chỉ có thế, cách sân bay Tà Cơn về phía bắc chưa tới 10 km, vùng đồi núi xã Hương Linh vây quanh hồ thủy điện Rào Quán, ngày xưa là chiến trường khốc liệt, đầy bom rơi đạn nổ nay đã trở thành trang trại với hàng trăm trụ tuabin gió ngày đêm cánh quạt khổng lồ quay vù vù tạo thành cảnh quan vô cùng ấn tượng. Hơn nữa, hầu hết các trụ được lắp đặt trên đỉnh đồi lộng gió lại ở độ cao hơn 400m so với mặt nước biển nên sáng sáng, chiều chiều mây trắng trôi bồng bềnh khắp chốn đã trở thành điểm săn mây của giới nhiếp ảnh và các bạn trẻ thích gần gũi thiên nhiên.

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

Rừng Trường Sơn trong mùa thay lá

Trên đỉnh đèo Sa Mù 

Lan man trong suy tưởng về cánh đồng điện gió, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến chân đèo Sa Mù. Đây là đường đèo dài gần 20 km chạy dọc theo đường biên giới Việt – Lào và nằm trên độ cao 1.400m so với mặt nước biển, nổi tiếng nguy hiểm vì dốc cao, sương mù quấn quýt quanh năm. Quả thật, ngay lúc nãy đang giữa trưa, trời trong xanh nhưng ngước mặt nhìn lên đèo chỉ thấy mây trắng ùa về giăng kín núi non. Dù vậy, với tôi, nét hấp dẫn của Sa Mù không phải từ mây mù sa xuống như chính cái tên của nó, cũng không phải từ con suối, ngọn thác được đặt tên Chênh Vênh chảy ven buôn làng tộc người Vân Kiều, mà chính là thời tiết mang sắc thái ôn đới, một nét rất riêng, có một không hai trên dãy Trường Sơn đầy nắng lửa, gió Lào.

Qua khỏi đèo Sa Mù, chạy hồi lâu mới nhận ra suốt chặng đường dài hơn 20 km tuyệt nhiên không thấy xe máy qua lại hay làng xóm thấp thoáng bên đường, thậm chí cũng không gặp những đàn trâu bò của đồng bào dân tộc thiểu số hay thả rong trên đồi cỏ như các vùng đèo heo hút gió. Cảm giác lo lắng bắt đầu nhen nhóm. May mà gặp đồn biên phòng bên con sông Sê Băng Hiêng để hỏi thăm. Các anh cảnh báo, đường đi Phong Nha – Quảng Bình còn hơn 200 km là đường đổ bê tông, tráng nhựa song hầu hết uốn lượn trên núi cao hoặc xuyên rừng hoang vắng, ngặt nỗi không có cây xăng, chỗ sửa xe, nơi ăn uống… và khuyên nếu đi một mình hãy rẽ tuyến đường xương cá, thỉnh thoảng gặp trên hành trình để chuyển qua đi đường Trường Sơn Đông vừa rộng thênh thang, thẳng tắp lại rất an toàn, chẳng việc gì phải lo.

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

Vùng thượng nguồn sông Long Đại uốn lượn quanh Làng Mo của bà con dân tộc Bru – Vân Kiều đẹp như tranh vẽ

Nghe qua, tinh thần của tôi có phần nao núng. Nhưng cảnh tượng núi non, sông nước càng đi càng gợi lên sự hoang vu, thanh vắng mơ màng và những vết tích, bia lưu niệm một thời chiến tranh trên đường như có sức hút tôi cứ đi tới. Cho đến lúc vì hiếu kỳ, tôi dừng xe xem một nhóm phụ nữ đang đãi vàng trên con suối lớn thuộc xã biên giới Trường Sơn – huyện Quảng Ninh. Mở bản đồ ra xem, tôi thật bất ngờ khi biết đây là sông Long Đại chảy về xuôi với chiều dài 77 km, sau đó hòa mình với sông Kiến Giang hình thành sông Nhật Lệ – Quảng Bình nổi tiếng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc hành trình hai ngày qua, tôi đã chiêm ngắm nhiều thác, suối lớn nhỏ là cội nguồn của nhiều con sông và mỗi nơi mang một nét đẹp riêng biệt. Cũng vậy, sông Long Đại hình thành từ vô số khe nước, suối nhỏ chảy len lỏi trong cánh rừng già Tây Trường Sơn tụ lại thành dòng xuống nhiều tầng thác tung bọt trắng xóa trước khi uốn lượn như rồng cuộn dưới dãy núi đá vôi ẩn chứa nhiều suối ngầm và hang động chưa được khám phá. 

Với bà con người Bru – Vân Kiều sống ở Làng Mo vùng thượng nguồn sông Long Đại là nơi ngày ngày họ giăng lưới bắt cá hoặc kéo nhau ra sông, dùng xẻng xúc đất cát dưới đáy đổ vào sàn gỗ rồi gạn đi hạt sạn to đồng thời lọc tìm vàng cám, những hạt li ti, nhỏ hơn cả hạt cát. Nếu ngày nào mỗi người chia được khoảng 200.000 đồng thì gọi là “trúng” vì không ít ngày chỉ được vài ba chục ngàn. Dẫu vậy, với bà con sống ở vùng cao cũng tạm đủ ấm no hàng ngày.

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

Bà con đang đãi vàng bên bờ sông Long Đại

Băng qua vùng lõi rừng quốc gia giữa đêm tối

Hoàng hôn bắt đầu bao trùm khi tôi chuẩn bị vượt dãy núi U Bò, không lâu sau đó thấy sấm chớp loằng ngoằng lóe lên ở rặng núi xa xa phía nước Lào đồng thời mây đen kịt cũng kéo sang cuồn cuộn trong bóng chiều nhập nhoạng. Chỉ kịp dừng xe dùng bạt che chắn hành lý thì mưa nặng hạt quất xuống mãnh liệt tới mức nghe ràn rạt trên đường. Lúc này thật phân vân, dừng lại trú mưa dưới tán cây bên đường thì không biết đến bao giờ trời tạnh còn tiếp tục chạy dưới cơn mưa xối xả, sấm sét thì vô cùng nguy hiểm. Nấn ná một hồi, tôi quyết định chạy tiếp quên cả nỗi lo.

Đi được một đoạn, qua ánh đèn xe chiếu rọi thấy xuất hiện những cây cao to, tán lá rộng tôi đoán là rừng, cùng lúc gặp trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, thật là chỗ lý tưởng để dạt xe vào tránh mưa. Trực chốt bảo vệ rừng hôm đó là thanh niên người Vân Kiều đã tiếp tôi rất tử tế chẳng khác người thân và thật thà cho biết: “Thỉnh thoảng vẫn có khách tây ba lô đi theo nhóm chạy qua đây chứ ít ai dám đi một mình”.

Nói chuyện chưa được mấy câu thì ngoài trời đã tạnh mưa. Tôi tiếp tục cuộc hành trình dù các bạn kiểm lâm khuyên tôi hãy tá túc qua đêm tại trạm vì còn 60 km đường xuyên qua vùng lõi vườn quốc gia mới tới thị trấn Phong Nha, điều ấy cũng có nghĩa là sẽ đi trên đường độc đáo trong không gian đêm tối rừng sâu, không có làng mạc, người ở, sóng điện thoại… nếu có chỉ có thú rừng.

Độc hành trên Tây Trường Sơn hẻo lánh

Thuyền chờ khách trên sông Son, Phong Nha – Quảng Bình

Cứ tưởng lái xe trong rừng vào ban đêm sẽ dễ dàng khi một mình trên đường vắng song trên thực tế khó khăn hơn nhiều so với chạy ban ngày. Ngoài hiện tượng sương núi lãng đãng sau cơn mưa làm khuất tầm nhìn khiến tôi phải căng mắt quan sát, những khúc cua không có vách núi hay cây cao ở mép đường cũng đều đáng ngại bởi đây là vực sâu, nếu không cẩn trọng xe sẽ lao xuống đèo như chơi.

Nhưng đáng sợ nhất là cơn giông lốc bất chợt ập tới ngay khu vực đỉnh đèo U Bò, khiến cây rừng hai bên đường oằn mình ngả nghiêng, lá rụng bay tả tơi, chim chóc vỗ cánh xáo động cả góc rừng. Riêng tôi theo quán tính cứ phải cố khom mình, gầm mặt lái xe với tốc độ thật chậm phòng khi bị gió quật té. Một chú chồn bất thình lình chạy băng ngang trước bánh xe khiến tôi loạng choạng tay lái suýt ngã, kế tiếp là mấy chú sóc, heo rừng chạy loạn xạ…, cả những con dơi chốc chốc bay vụt qua cũng khiến tôi một phen giật mình, khiếp đảm. Và chưa bao giờ tôi thấm thía nỗi cô độc như lúc này. Đó cũng là một dấu ấn thật khó quên đối trong chuyến phiêu lưu chốn biên thùy Tây Trường Sơn đầy niềm vui và sợ hãi.

 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img