Thursday, November 28, 2024

“Lá đỏ” – Bản tình ca đẹp về một thời khói lửa chiến tranh

Ở “Lá đỏ”, ta còn thấy những giai điệu của một bản tình ca được ra đời trong máu lửa chiến tranh mà vẫn tha thiết, vẫn dịu êm và trong sáng đến lạ thường.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết bài thơ “Lá đỏ” tháng 12/1974 tại Trường Sơn, ông kể: “Mùa thu năm 1974 tôi cùng các anh Tế Hanh, Đinh Đăng Định, Phạm Tiến Duật đi trên một chiếc xe vào Trường Sơn. Đang đi trên đường bỗng thấy một anh bộ đội cứ giơ hai tay ra hiệu cho xe dừng lại và chỉ lên trời. Chúng tôi vội xuống xe và nhảy ra ngoài, lăn xuống một hẻm núi, một tiếng nổ vang trời, chiếc xe tan tành. Thật không ngờ tất cả chúng tôi đều sống sót.

Sau đó chúng tôi lại tiếp tục đi bộ. Trên đường thấy nhiều bộ đội kéo pháo, xe tải người đi nườm nượp, vội vã, hối hả. Tôi hiểu sắp có một trận đánh lớn. Vậy mà tôi thấy có rất nhiều phụ nữ, nhiều những em gái trẻ trung mảnh mai đứng ở những nơi nguy hiểm, dẫn đường cho xe qua suối, hoặc qua những quãng đường khó.

Ở nơi bom đạn chiến trường ác liệt ấy tôi không thể nghĩ lại có nhiều phụ nữ tham gia như vậy. Tôi nhớ hồi chống Pháp cũng thế, dân công chở gạo, chở vũ khí, đạn dược rồi y tá, đa phần là phụ nữ. Họ ra tận chiến hào cùng bộ đội đánh giặc. Có lẽ tôi chưa thấy ở đâu trong cuộc chiến tranh ái quốc, người phụ nữ lại tham gia đông đảo, hồn nhiên, dũng cảm và lạc quan như ở Việt Nam. Đó là cảm xúc lớn nhất tạo nên thi hứng sáng tạo của bài thơ, tôi đã viết:

Đoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa…

Em đứng bên đường như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường

Vượt qua nhiều chặng đường nguy hiểm, chúng tôi đến những cánh rừng giáp Lào, tôi thấy rừng mùa thu ở đây toàn lá đỏ. Rất lạ và rất đẹp. Tôi nhặt một chiếc lá ép vào cuốn sổ và tối đó tôi viết bài thơ “Lá đỏ”. Bài thơ được đọc lần đầu ở Cục Chính trị Tây Nguyên…”.

Ca khúc “Lá đỏ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được viết khi ông bắt gặp tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. “Lá đỏ” đã khắc họa hình ảnh đoàn quân đầy phẫn khích và hồi hộp tiến về giải phóng Sài Gòn và họ chợt gặp giữa ào ào một trời lá đỏ Trường Sơn một người con gái. “Em đứng bên đường như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường” và “Đoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa”.

Ca khúc “Lá đỏ” ngắn gọn mà hàm súc trữ tình; đậm đặc và nồng nàn cảm xúc tràn ngập lòng ta một xúc động đến câm lặng; một tình yêu đến da diết: “Hẹn gặp nhé, em ơi, giữa Sài Gòn”. Không phải là hẹn hò của các tình nhân mà là khát khao được sẻ chia một hạnh phúc lớn sẽ tới như thần thoại của tất cả các số phận, của cả dân tộc. Hạnh phúc của ngày toàn thắng mà những người đi chiến đấu biết chắc đang đến từng ngày sau đằng đẵng những năm dài chiến tranh.

“Lá đỏ” do NSND Quang Thọ thể hiện

Cảm nhận về ca khúc “Lá đỏ”, trong lá thư tham gia mục “Đố vui” tháng 4/1998 của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả, bạn Trần Hoàng Hà ở Công ty xuất nhập khẩu tỉnh Lào Cai viết: “Trong những ngày cuối của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, khi bước chân các đoàn quân giải phóng đang dồn dập trên khắp chiến trường Miền Nam, một ca khúc rất hay đã ra đời bằng sự kết hợp khéo léo giữa những nốt nhạc của Hoàng Hiệp và lời thơ của Nguyễn Đình Thi – đó chính là “Lá đỏ”.

Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…

Chào em, em gái tiền phương…Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.

Lời ca ấy đã theo suốt chặng đường hành quân của đoàn quân giải phóng thẳng tiến vào dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Có thể nói, “Lá đỏ” đã trở thành một ca khúc quá quen thuộc với người lính. Ở đó không chỉ có giai điệu mà từng lời ca đều toát lên niềm lạc quan tin tưởng mãnh liệt vào chiến thắng tất yếu ngày mai. Ở đó ta cũng thấy rõ những biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả một dân tộc đã chịu nhiều đau thương chiến tranh nhưng vẫn gắng sức vượt qua mọi khó khăn, dồn tất cả sức người sức của cho trận quyết chiến cuối cùng.

Và ở “Lá đỏ”, ta còn thấy những giai điệu của một bản tình ca được ra đời trong máu lửa chiến tranh mà vẫn tha thiết, vẫn dịu êm và trong sáng đến lạ thường. Chính “Lá đỏ”, với những nét khắc họa tuyệt vời ấy đã thổi vào tâm hồn người nghe (nhất là những người lính) tình yêu quê hương tha thiết, tình cảm lứa đôi trong sáng và quyết tâm chiến thắng kẻ thù.

Có lẽ vì thế mà “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” không chỉ là câu hát mà còn là lời hò hẹn lứa đôi, một khẩu hiệu thể hiện quyết tâm không gì có thể lay chuyển được của cả dân tộc ta trong những tháng năm gian khổ và hào hùng ấy.

Tôi đã hát không biết bao nhiêu lần “Lá đỏ”, khi còn là người lính đang hành quân vào giải phóng Sài Gòn. Cho đến hôm nay, dù đã hơn 20 năm trôi qua, mỗi khi nghe lại “Lá đỏ”, tôi vẫn không khỏi xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về đồng đội, về người bạn gái TNXP đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn. Với tôi “Lá đỏ”, đã trở thành một ký ức không bao giờ quên”.

“Lá đỏ” ngắn gọn mà dồn nén như một bức tranh sơn dầu đầy ám ảnh hằn lên giữa tim ta một khoảnh khắc mà ở đó cuộc chiến đấu nghìn ngày đã chất chứa trong một giây phút, ở đó, nhịp đập trái tim một người đã mang nhịp đập trái tim cả một dân tộc. Vì lẽ đó có thể nói “Lá đỏ” đã trở thành một trong những bản tình ca tuyệt đẹp về một thời chiến tranh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img