Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã “tận dụng được lợi thế dân số” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi một số nước khác lại không thể sử dụng làm đòn bẩy được.
Hầu hết tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt với cơ cấu dân số già nhưng tuỳ theo quá trình biến đổi cơ cấu tuổi dân số, đặc điểm dân số mà mỗi quốc gia lại có những cách ứng phó trong thời kỳ cơ cấu dân số già khác nhau. Đồng thời, mỗi khu vực lại có những chính sách, chiến lược và thể chế để ứng phó với biến đối cơ cấu tuổi dân số khác nhau nên tác động của nó đến sự phát triển kinh tế cũng có thể khác nhau.
Kinh nghiệm của Nhật Bản”
Nhật Bản sau chiến tranh cùng với công cuộc tái thiết đất nước, đã ghi nhận tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm từ 4,54% vào năm 1947 xuống còn 2,04% vào năm 1957. Sự giảm sinh nhanh chóng này đã kéo theo sự điều chỉnh đáng kể trong việc phân bổ nguồn lực cá nhân như tỷ lệ chi tiêu cho nuôi dạy con cái giảm, phụ nữ được đào tạo và tham gia vào các hoạt động kinh tế. Giai đoạn 1955 – 1970 là giai đoạn Nhật Bản có được sự tích luỹ vốn vật chất, vốn con người, tạo điều kiện tối đa để đất nước này phát huy năng lực kinh tế. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ việc giảm sinh đẻ, cùng với việc chú trọng đến chính sách chăm sóc y tế và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo mà tuổi thọ bình quân ở Nhật Bản đã có xu hướng tăng nhanh và tăng cao. Kết quả của tiến bộ xã hội ở Nhật Bản là quá trình già hoá dân số diễn ra nhanh hơn. Đến năm 2021, Nhật Bản hiện đã trở thành nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với 29,1%, ở vị trí số 2 và số 3 lần lượt là Italy và Bồ Đào Nha.
Theo dự báo, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản có thể chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an ninh xã hội. Do đó, hiện Nhật Bản đang phải đối diện với hai vấn đề lớn của nền kinh tế là “tăng trưởng kinh tế” (TTKT) và “phúc lợi xã hội” xuất phát từ tình trạng lão hoá dân số ngày càng trầm trọng.
Đối với vấn đề TTKT, Nhật Bản lo lắng về sự giảm sút kinh tế trong tương lai bởi nguồn lực quan trọng, yếu tố quyết định nhất nhất đến tăng trưởng kinh tế là lao động, đang bị giảm sút dần, kèm theo đó là sự gia tăng của già hoá dân số và giảm tỷ lệ sinh. Lực lượng lao động giảm khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, cầu về hàng hoá dịch vụ cho tiêu dùng giảm sút khiến giảm sức hấp dẫn của đầu tư. Theo đó, hệ thông lương hưu ở khu vực công của nhà nước sẽ quá tải. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi chiếm phần lớn trong ngân sách của chính phủ Nhật Bản. Để các vấn đề về TTKT và phúc lợi xã hội không còn là gánh nặng của đất nước, Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các tổ chức sử dụng lao động cho phép những lao động đến tuổi về hưu kéo dài thời gian làm việc.
Trên thực tế, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) vẫn duy trì làm việc ở Nhật Bản là khá cao, đến hơn 25%. Các công ty Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào những người đến tuổi nghỉ hưu để lấp đầy vị trí tuyển dụng. Nhiều nhà bán lẻ tại Nhật Bản hiện đã loại bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động. Ngoài ra, để ứng phó với thách thức thiếu hụt lao động, một mặt, Nhật Bản đề xuất chính sách trợ cấp sinh đẻ đối với giới trẻ và miễn phí giáo dục mầm non để giảm gánh nặng chi phí tài chính cho các hộ gia đình, mặt khác, Nhật Bản cũng đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài cho một số ngành nghề cần lao động có nhiều sức khoẻ mà người cao tuổi không đáp ứng được. Tuy nhiên, đây vẫn là những chính sách tạm thời để khắc phục phần nào tình trạng thiếu hụt nhân lực, do đó đảo quốc này cần có các biện pháp dài hơi hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng và phúc lợi xã hội.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là một điển hình về TTKT thần kỳ tại Đông Á cuối thể kỷ 20 với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với định hướng phát triển kinh tế đất nước dựa vào công nghiệp, Hàn Quốc đề ra các chính sách kinh tế kết hợp ảnh hưởng thuận lợi từ biến đổi cơ cấu dân số tuổi đã tạo nên hiệu quả kinh tế vượt trội qua nhiều thập niên. Quá trình phát triển kinh tế thành công của Hàn Quốc được giải thích bởi sự khác biệt về tri thức, bí quyết, nguồn vốn và tận dụng được nguồn lao động dồi dào ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Tương tự Nhật Bản, khi kinh tế phát triển, người Hàn Quốc trong độ tuổi sinh đẻ lại muốn trì hoãn hoặc không muốn sinh con để ưu tiên cho sự nghiệp và những sở thích cá nhân. Chính phủ Hàn Quốc đã đón đầu thách thức suy giảm dân số trẻ, gia tăng dân số bằng việc tạo lập cơ sở hạ tầng gồm hỗ trợ khu vực tư nhân, chính chuyền địa phương và đánh giá chương trình nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân, đảm bảo sức cạnh tranh cho người già. Các chính sách lần lượt ra đời để hỗ trợ các gia đình có con, hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ sinh.
Riêng đối với người cao tuổi, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu quan tâm và triển khai các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người cao tuổi từ năm 2004. Chương trình được chia thành hai mục tiêu chính: một là hoạt động xã hội (bao gồm các hoạt động công ích, hoạt động chia sẻ kinh nghiệm), và hai là hoạt động tạo việc làm (bao gồm nhóm việc làm theo mô hình thị trường, thực tập sinh cao niên, mạng lưới doanh nghiệp thân thiện với người cao tuổi…). Cả hai mục tiêu của chương trình đều đáp ứng tốt nguyện vọng của người cao tuổi và đạt được những hiệu ứng tích cực, góp phần tạo việc làm giúp đỡ người cao tuổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Về mặt tài chính, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đầu tư khoảng 196.000 tỷ won (172,3 tỷ USD) trong giai đoạn 2021 – 2025 để cải thiện tình trạng suy giảm dân số cũng như ứng phó với già hoá dân số và vấn đề này dự kiến sẽ được chính phủ tiếp tục thảo luận để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng già hóa ngày càng gia tăng.
Kinh nghiệm của Singapore
Nền kinh tế Singapore cũng được biết đến như là một trong những nền kinh tế tự do nhất, sáng tạo nhất, cạnh tranh nhất, năng động nhất và đa số thân thiện với kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như tất cả các quốc gia phát triển khác trên thế giới, đảo quốc sư tử đang rơi vào vòng xoáy của già hoá dân số. Trong suốt thập kỷ qua, dân số Singapore chỉ tăng trung bình ở mức 1,1%/năm và được dự kiến là quốc gia dẫn đầu về tốc độ già hoá dân số ở khu vực Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2030, số người trên 65 tuổi ở Singapore sẽ chiếm ¼ dân số cả nước. Quá trình già hoá dân số nhanh chóng rõ ràng đã mang đến rất nhiều thách thức cho các quốc gia, mặc dù vậy, Singapore vẫn tự tin về một xã hội già hoá trong tương lai bởi đất nước này đã nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thách thức.
Cơ hội đầu tiên mà đảo quốc sư tử tìm thấy được cơ cơ cấu dân số già là xây dựng một thị trường mới thông qua việc nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người cao tuổi. Chính quyền Singapore khuyến khích các doanh nghiệp trong nước loại bỏ tuổi nghỉ hưu để nhân viên lớn tuổi vẫn được phép tham gia vào thị trường lao động. Như vậy, lực lượng người cao tuổi vẫn là những lao động có thu nhập hàng tháng, họ phục vụ xã hội với tư cách là những chính khách cao tuổi như những cố vấn, những nhà lãnh đạo đối với thế hệ trẻ.
Không những vậy, khi họ tiếp xúc với công việc hàng ngày, trí tuệ của họ có thể minh mẫn hơn, đời sống tinh thần phong phú hơn có thể khiến sức khoẻ họ trở nên dẻo dai hơn. Bằng chứng trên thế giới cho thấy có những lãnh tụ của các quốc gia phát triển có tuổi đời rất lớn nhưng vẫn đảm nhận tốt vai trò của họ trong kiến thiết đất nước phát triển phồn thịnh.
Mặt khác, Singapore đề cập đến thị trường tiêu dùng của người cao tuổi như là một “nền kinh tế bạc” – một nền kinh tế chuyên phục vụ người cao tuổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ y tế, các khu nhà ở đến thực phẩm dinh dưỡng và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Những dịch vụ kỹ thuật hiện đại như công nghệ chăm sóc sức khoẻ và thể dục, thông tin liên lạc hay hạ tầng cơ sở cũng đang được nhắm đến thị phần khách hàng người cao tuổi nhằm cải thiện chất lượng sống của họ và đồng thời giúp các nhà đầu tư thu về khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Như vậy, có thể thấy ở mỗi quốc gia trên, sự già hóa dân số, phát triển kinh tế có mối quan hệ giữa cơ cấu tuổi dân số với phát triển kinh tế trên các phương diện dân số với tăng trưởng, dân số với giáo dục, dân số với y tế, và dân số với môi trường. Mặc dù tác động của cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế, trong đó dân số ngoài độ tuổi lao động, cụ thể là dân số già, là lực cản đáng kể đối với cả tăng trưởng kinh tế lẫn các vấn đề xã hội; Tuy vậy, mức độ tác động của già già hóa dân số đến các vấn đề kinh tế sẽ tùy thuộc vào chất lượng dân số cũng như các chính sách của từng quốc gia. Từ các chính sách này, chúng ta sẽ rút ra bài học gì cho Việt Nam trong thời kỳ vàng của cơ cấu dân số, mà thời kỳ này nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, cũng sẽ dần đi qua?
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn