Việt Nam đang hướng tới trở thành một trong những trung tâm thiết kế công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới.
Trong năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới. Điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) được nghiên cứu và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đặc biệt, Việt Nam đang khởi động hành trình đầy hứa hẹn, hướng tới trở thành một trong những trung tâm thiết kế công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một dòng chip phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G đã được phát triển và thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Viettel. Đó là dòng chip 5G DFE có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây.
Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được những sản phẩm chip cao cấp mà cho tới hiện tại chỉ có rất ích quốc gia trên thế giới làm được. Điều này giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu để sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, 6G, Internet kết nối vạn vật trong tương lai.
Những cam kết đầu tư và đánh giá của các chuyên gia, tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy, sức hấp dẫn rất lớn của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Những dự án từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD không chỉ là xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp mà còn tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Công nghiệp bán dẫn và vi mạch chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu tham gia sâu hơn trong các công đoạn của chuỗi giá trị, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt 6,16 tỷ USD ngay trong năm tới.
Để nắm bắt cơ hội, nguồn nhân lực cao sẽ là chìa khóa. Việt Nam đang thúc đẩy phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, tiến tới tự sản xuất chip từ năm 2030.
Nguồn: vtv.vn