Starbucks lặng lẽ trở thành công ty fintech như thế nào?

Từ tháng 11/2001, Starbucks có sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh khi ra mắt Starbucks Card. Nó như một tấm thẻ ngân hàng, khách hàng bỏ tiền vào thẻ và dùng thẻ này mua đồ uống tại các cửa hàng. Starbucks Card nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dùng. Đến 2009, Starbucks Card trở thành thẻ thành viên Starbucks Rewards. Vì nhiều ưu đãi và đặc quyền hấp dẫn, số lượng người đăng ký Starbucks Rewards cũng cực kỳ đông đúc.

Với nhiều người, việc bỏ tiền vào thẻ để mua cà phê là điều bình thường. Thế nhưng gần đây, Liên minh bảo vệ người tiêu dùng Washington (WCPC) lên tiếng cáo buộc Starbucks, cho rằng công ty này lợi dụng chương trình thanh toán trực tuyến bằng Starbucks Rewards để huy động tiền gửi và khiến khách hàng rơi vào bẫy chi tiêu, nơi họ không bao giờ tiêu hết số dư.

Cụ thể, WCPC chỉ ra rằng Starbucks đã thiết lập các cơ chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng để lại số dư trong ứng dụng. Một vài đồng trong tài khoản đối với một người thì không nhiều, nhưng tính tổng thì trong 5 năm qua, Starbucks đã chiếm dụng vốn đến gần 900 triệu USD của khách hàng.

Trước những cáo buộc này, Starbuck khẳng định rằng khách hàng vẫn có thể tiêu tiền trong tài khoản Rewards tùy thích mà không hề có bất kỳ sự ép buộc nào, đồng thời vẫn có thể tiêu hết số lẻ trong tài khoản bằng cách thanh toán tiền mặt ở các cửa hàng. Đồng thời họ cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền Washington nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của tiểu bang.

Một con số có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Đó là tính đến ngày 2/4/2023, số tiền người dùng gửi trong Starbucks Rewards lên đến 1,8 tỷ USD. Tức là nếu Starbucks là một ngân hàng thực sự, thì nó còn lớn hơn 90% ngân hàng được bảo trợ bởi Tập đoàn bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) tính theo số lượng tiền gửi.

Không chỉ vậy, trong khi các ngân hàng phải duy trì tiền mặt ở một mức độ nào đấy để phòng trừ trường hợp khách hàng đổ xô đi rút tiền, thì Starbucks chỉ việc bán đồ uống. Đó là còn chưa kể lãi suất cho số tiền khách hàng “gửi” trong Starbucks Rewards là 0%.

Thế nhưng không chỉ là một “ngân hàng đội lốt chuỗi cà phê” (như lời buộc tội của một số bên), Starbucks còn đang trở thành một công ty fintech (công nghệ tài chính).

Vì sao lại nhận định như vậy?

Như đã nói ở trên, từ năm 2009, Starbuck Card được hợp nhất thành Starbucks Rewards. Đồng thời, họ cũng cho ra mắt ứng dụng Starbucks Card Mobile. Sự đổi mới này cho phép khách hàng ở Mỹ theo dõi số dư, nạp tiền vào thẻ và theo dõi giao dịch.

Khi đã ra mắt ứng dụng, Starbucks bắt đầu tìm đường để khách hàng của mình có thể thanh toán nhanh chóng và tiện lợi bằng nhiều cách.

Starbucks lặng lẽ trở thành công ty fintech như thế nào?

Ở Mỹ, Starbucks đã thâm nhập vào lĩnh vực thanh toán di động bằng việc hợp tác với Square. Với thương vụ này, Starbucks cho phép khách hàng tìm hiểu các cửa hàng trong khu vực, xem chi tiết thực đơn, kiểm tra giờ mở cửa và xem lịch sử giao dịch, tất cả đều thông qua điện thoại.

Đến tháng 8/2012, Starbucks đầu tư 25 triệu USD vào Square, đưa Square trở thành đơn vị độc quyền chuyên xử lý thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng cho hơn 7.000 cửa hàng ở Mỹ.

Tiếp đó, họ chọn Chase Commerce Solutions (thuộc J.P. Morgan) là công cụ xử lý thanh toán, mở đường cho việc triển khai trên toàn quốc trong bối cảnh thanh toán kỹ thuật số dần trở nên phổ biến.

Không chỉ vậy, Starbucks còn liên kết với Amazon giới thiệu chương trình “Starbucks Pickup with Amazon Go”. Theo đó, khách hàng có thể mua Starbucks tại các cửa hàng Amazon Go và thanh toán trước trên app Starbucks, không cần xếp hàng thanh toán tại quầy thu ngân.

Không dừng lại ở Mỹ, Starbucks còn muốn khách hàng toàn cầu cũng được trải nghiệm sự tiện lợi của việc đa dạng hóa phương thức thanh toán.

Chẳng hạn ở Anh, Starbucks hợp tác với Barclaycard để cung cấp dịch vụ thanh toán không chạm, trở thành một trong những công ty bán lẻ đường phố áp dụng công nghệ này sớm nhất.

Hoặc ở Nhật, Starbucks ra mắt Starbucks Touch: The Pen. Đây là một dụng cụ độc đáo, tích hợp ví NFC để thanh toán dễ dàng.

Ở Ả Rập và UAE, Starbucks hợp tác với Visa để thúc đẩy việc sử dụng Apple Pay. Khách hàng là chủ thẻ Visa khi thanh toán qua Apple Pay sẽ được nâng cấp đồ uống hoặc đổi size lớn hơn.

Tại khu vực Đông Nam Á, Starbucks thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Grab. Đặc biệt ở Việt Nam, chuỗi cà phê này hợp tác với ví điện tử MoMo.

Không chỉ là thanh toán bằng ví điện tử, Apple Pay hay các loại thẻ, Starbucks còn lấn sân sang tiền điện tử. Cụ thể, từ đầu năm 2018, chuỗi cà phê này hợp tác với Microsoft, cho phép thanh toán bằng tiền điện tử. Năm tiếp theo, họ bắt đầu thỏa thuận với nền tảng Bitcoin Bakkt. Đến 2021, người dùng Mỹ đã chính thức được thanh toán bằng Bitcoin trong các cửa hàng Starbucks thông qua ví Bakkt. Những thương vụ này không chỉ mở rộng đa dạng hóa cách thức thanh toán, mà còn là cách để Starbuck mở rộng thị trường, thúc đẩy thương hiệu đối với những người đam mê tiền điện tử.

Với tất cả những thương vụ hợp tác này, người dùng Starbucks có thể thanh toán tiện lợi bằng những phương thức phù hợp nhất và hiện đại nhất. Vậy nên không hề quá khi nói rằng Starbucks chính là một công ty fintech, dù trên lý thuyết họ là một chuỗi cà phê toàn cầu.