Ukraine hiện đang thiết lập các hệ thống phòng không nhiều lớp, kết hợp giữa hệ thống phòng không thời Liên Xô và thiết bị công nghệ cao của phương Tây cùng khả năng trinh sát của máy bay không người lái để đánh chặn các tên lửa tiên tiến của Nga.
Các cuộc tấn công ồ ạt của Nga nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine, nhằm mục đích làm suy yếu lực lượng phòng không Ukraine diễn ra vào thời điểm Kiev đang hối thúc các đối tác phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đạn dược.
Nga trút mưa lửa xuống các thành phố Ukraine
Mick Ryan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, những cuộc tấn công như vậy được thiết kế để kiểm tra giới hạn của hệ thống phòng không do Ukraine phát triển trong 18 tháng qua. Hệ thống phòng không của Ukraine đã được tăng cường nhờ các hệ thống phòng thủ do phương Tây cung cấp, trong đó có hệ thống Patriot của Mỹ và SAMP/T Mamba của Pháp-Italy.
Ngoài kiểm tra năng lực kỹ thuật của hệ thống phòng Ukraine, Nga nhiều khả năng muốn thử thách tầm bắn của tên lửa đối phương, đồng thời hy vọng Kiev sẽ sớm cạn kiệt tên lửa đánh chặn”, Ryan – một cựu tướng Australia lưu ý.
Trong một báo cáo đăng tải trên trang X (Twitter), Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: “Các cuộc tấn công gần đây của Nga chủ yếu nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine”. Còn nhà phân tích quân sự Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine lưu ý, Nga “hiện đang cố gắng tấn công tổ hợp công nghiệp-quân sự, và những cơ sở liên quan đến sản xuất vũ khí”. Trong khi đó, ông Sergiy Zgurets, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Defense Express của Ukraine, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất nhiều vũ khí hơn trước đặc biệt là đạn dược, máy bay không người lái, xe bọc thép và hệ thống định vị”.
Nga đã khởi động chiến dịch ném bom ồ ạt nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine trong mùa đông năm nay, tương tự như chiến dịch tấn công hồi năm 2023, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng.
Hệ thống phòng không nhiều lớp của Ukraine
Ukraine hiện đang thiết lập các hệ thống phòng không nhiều lớp, kết hợp giữa hệ thống phòng không thời Liên Xô và thiết bị công nghệ cao của phương Tây cũng khả năng trinh sát của máy bay không người lái, có khả năng đánh chặn các tên lửa tiên tiến của Nga. Khả năng phòng thủ của Ukraine nhằm chống lại tên lửa và máy bay không người lái của Nga bao gồm cả những vũ khí có tuổi đời 40 năm như súng trường tấn công Svitlana Ruda đến vũ khí tối tân như hệ thống Patriot có giá hàng triệu USD.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, ngay cả trước khi giao tranh xảy ra, Ukraine đã có hệ thống phòng thủ tên lửa tương đối tốt với 403 hệ thống trên đất liền. IISS ước tính, nỗ lực quyên góp và viện trợ từ các quốc gia khác đã nâng con số này lên tới 564.
Trong số các hệ thống phòng không tinh vi nhất của Ukraine có 5 khẩu đội Patriot tầm xa do RTX sản xuất, được Mỹ, Đức và Hà Lan gửi đến. Kiev cũng có hệ thống SAMP/T do tập đoàn tên lửa châu Âu MBDA chế tạo và được Pháp gửi đến. Cả hai hệ thống của phương Tây đều có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.000km. Cựu tướng không quân Mỹ Philip Breedlove cho biết, những hệ thống tầm xa này là thứ Ukraine cần nhất, nhưng phương Tây hiện chưa cung cấp đủ.
Ngoài ra, Ukraine cũng sở hữu nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn như tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard, các tên lửa Stinger của Mỹ và Starstreak của Anh. Tổng thống Ukraine Zelensky đã nói với các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Kiev cần các hệ thống phòng thủ tên lửa hơn những loại vũ khí khác. Song Mỹ và các đồng minh không có số lượng lớn những hệ thống này trong kho và chắc chắn phải mất nhiều năm để chế tạo.
Ngoài hệ thống tối tân thời Liên Xô, Ukraine cũng sử dụng những hệ thống tầm trung và tầm xa từ thời Liên Xô. Một số hệ thống như Ruda – có tuổi đời 49 năm, đường trang bị súng máy cỡ nòng lớn và súng trường tấn công, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các mối de dọa từ trên không.
Kiev cũng tìm cách chuyển đổi một số bệ phóng cũ của Liên Xô để bắn tên lửa phương Tây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc tích hợp quá nhiều loại vũ khí khác nhau có thể khiến hệ thống phòng không Ukraine hoạt động kém hiệu quả, bởi thiếu tính đồng nhất.
Tầm quan trọng của hệ thống phòng không
Cuộc chiến ở Ukraine là nơi thử nghiệm các hệ thống phòng không, vốn đã phát triển rộng rãi hơn khi máy bay không người lái tạo ra mối đe dọa lớn trên không. Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách xây dựng và phát triển kho vũ khí tên lửa và rocket riêng mình. Nhu cầu tăng cao đang thúc đẩy nhiều đơn đặt hàng hơn cho các công ty chuyên sản xuất vũ khí
Ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Không ai nói rằng việc xây dựng một hệ thống phòng không tối tấn sẽ mang lại chiến thắng trong một cuộc xung đột, nhưng sự vắng mặt của hệ thống này sẽ khiến bên tham chiến bị mất lợi thế”.
Hệ thống phòng không đóng một vai trò quan trọng đối với Ukraine, giúp chống đỡ các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của đối phương, đồng thời ngăn chặn không quân Nga giành quyền kiểm soát toàn bộ bầu trời Ukraine hoặc nhắm mục tiêu vào các thành phố và cơ sở quân sự.
Nga được cho là đang tăng cường sản xuất tên lửa mới mức độ nhanh chóng. Cơ quan tình báo quân sự Ukraine ước tính rằng mỗi tháng Nga có thể sản xuất khoảng 100 loại tên lửa hành trình khác nhau, 4 tên lửa siêu thanh và 5 tên lửa đạn đạo.
Tình báo quân đội Anh suy đoán, Nga có thể đã dành những tên lửa hành trình phóng từ trên không tốt nhất trong vài tháng qua để xây dựng một “kho dự trữ vũ khí đáng kể” cho chiến dịch mùa đông. Ngoài việc gây thiệt hại và làm suy yếu cơ sở công nghiệp, quốc phòng của Nga, các quan chức Ukraine và giới quan sát phương Tây cho rằng, cuộc tấn công mùa đông của Moscow cũng có thể nhằm mục đích buộc Kiev sử dụng hết kho tên lửa phòng không để không quân Nga có nhiều cơ hội tập kích các lực lượng mặt đất của đối phương hơn.
Nguồn: vov.vn