Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và 3700-3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Ngày 17/1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 47/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 – 2600 MHz và băng tần 3700 – 3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.
Băng tần 2500 – 2600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT ngày 20/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 2300 – 2400 MHz và băng tần 2500 – 2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Băng tần 3700 – 3900 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 3560 – 4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.
Phương án tổ chức đấu giá bao gồm các nội dung chính về: thông tin và điều kiện sử dụng băng tần, thời hạn giấy phép; yêu cầu cam kết triển khai mạng viễn thông; giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước; hình thức, phương thức đấu giá; thứ tự đấu giá các khối băng tần và các nội dung khác có liên quan.
Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz.
Giá khởi điểm được xác định theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số VTĐ 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
Theo đó, giá khởi điểm của khối băng tần B1 cho 15 năm sử dụng là: 3.983.257.500.000 đồng.
Giá khởi điểm của khối băng tần C2 cho 15 năm sử dụng là: 1.956.892.500.000 đồng.
Giá khởi điểm của khối băng tần C3 cho 15 năm sử dụng là: 1.956.892.500.000 đồng.
Về thứ tự đấu giá các khối băng tần, sẽ thực hiện đấu giá khối băng tần B1 trước, sau đó đấu giá khối băng tần C3 và cuối cùng là khối băng tần C2.
Theo phương án, tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá các khối băng tần như sau: tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần B1 là 200.000.000.000 đồng; tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần C2 là 100.000.000.000 đồng; tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần C3 là 100.000.000.000 đồng.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 – 2600 MHz và băng tần 3700 – 3900 MHz phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thông qua một trong các phương thức sau: qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), băng tần 2500 – 2690 MHz đã được ấn định cho các nhà khai thác di động ở ít nhất 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong khi đó, băng tần 3400 – 4200 MHz cho 5G có hệ sinh thái thiết bị 5G lớn nhất, do đó sẽ đóng vai trò quyết định để Việt Nam có thể sớm triển khai thành công mạng 5G.
Nguồn: vtv.vn