Tại sao chúng ta không đặt “mục tiêu” tăng trưởng 7% trong năm 2024, để “kích hoạt” các yếu tố nội lực của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn?
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ về “kịch bản” tăng trưởng GDP 7% của Việt Nam trong năm 2024.
Theo TS. Lê Duy Bình, mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 là kịch bản “mơ ước”, thậm chí có đôi chút “lãng mạn” nếu so với các khó khăn hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình cho rằng mục tiêu này “không có nghĩa là không thể” nếu chúng ta quyết tâm thực hiện. Cho dù, có thể không đạt được “ước mơ” thì cũng tạo động lực cho nền kinh tế, các cấp chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và người dân hướng đến tốc độ tăng trưởng 7% vào năm 2025 và những năm tiếp theo.
Vẫn theo TS. Lê Duy Bình, nếu xem xét kỹ, ngoại trừ các yếu tố mang tính ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 dù còn nhiều thách thức nhưng hoàn toàn có thể tính khả thi nếu chúng ta thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 7% ngay từ tuần đầu, tháng đầu của năm 2024.
“Tại sao chúng ta không đặt “chỉ tiêu” tăng trưởng 7% trong năm 2024, để “kích hoạt” các yếu tố nội lực của nền kinh tế mạnh mẽ hơn?”, TS. Lê Duy Bình nói.
TS. Lê Duy Bình phân tích, kịch bản tăng trưởng 6,48% trong năm 2024 được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra là kịch bản khá thận trọng và an toàn.
Bởi, kịch bản này chưa tạo áp lực và truyền cảm hứng để chuyển hoá các tiềm năng của nền kinh tế trong nước thành cơ hội tăng trưởng. Như vậy, đặt mục tiêu 7% để truyền cảm hứng, thôi thúc chúng ta hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững với tầm nhìn đến 2030 và 2045 một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
“Mục tiêu và tầm nhìn đến 2030 và 2045 đã rất rõ ràng và chúng ta thực sự không có nhiều thời gian. Vì vậy, những nỗ lực phi thường với những bước chân mạnh mẽ, thần tốc là vô cùng cần thiết, ngay từ hôm nay và lúc này để đạt được mục tiêu, tầm nhìn đến 2030 và 2045”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
TS. Lê Duy Bình dẫn chứng về một trong những lĩnh vực tiềm năng, đó là gia tăng đầu tư tư nhân. Đây là yếu tố mang tính đột phá để chúng ta có thể tiệm cận gần hơn với kịch bản “mơ ước” 7%.
Bởi, theo Tổng cục Thống kê vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, trong đó khu vực Nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 5,4%.
Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7%, thấp nhất trong những năm gần đây. Chúng ta cần những nỗ lực phi thường để đưa đầu tư tư nhân trong nước tăng ở mức trên 10%-15% mỗi năm, và duy trì được tốc độ tăng này trong một giai đoạn dài.
“Đây sẽ là yếu tố quan trọng, tạo sự khác biệt về tăng trưởng trong năm 2024 và trong nhiều năm tới”, TS. Lê Duy Bình bày tỏ.
Cùng với đó là những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện mang tính đột phá trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu, về năng lực đổi mới sáng tạo, tự do kinh tế và nhiều bảng xếp hạng khác.
Trong năm 2024, cho dù có đạt được kịch bản mơ ước như vậy hay không, nhưng chúng ta rất cần những nỗ lực phi thường ngay trong năm để hướng tới mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD vào năm 2025, đồng thời chuẩn bị hành trang, tâm thế tốt nhất cho giai đoạn tăng trưởng cao vào bền vững trong giai đoạn 2026-2030 và những giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn