Sự xuất hiện các xu hướng bán lẻ mới được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với ngành, đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bán lẻ với cửa hàng truyền thống.
Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), nền kinh tế đang trải qua một trong những thời kỳ tăng trưởng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thời điểm còn thấp hơn trong thời kỳ dịch COVID-19. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư xã hội mặc dù đã hồi phục trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn cách xa mức bình thường.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm thành mức thấp của 5 tháng là 47,3 điểm trong tháng 11 so với 49,6 điểm của tháng 10. Trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật là sản lượng giảm nhanh hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm; việc làm và hoạt động mua hàng giảm trở lại; chi phí đầu vào tăng mạnh nhất kể từ tháng 2.
PHS đánh giá, tăng trưởng dịch vụ đang mang lại lực đỡ. Theo đó, sau khi sụt giảm tại thời điểm đầu năm, tổng mức bán lẻ tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ, gần với mức tăng trưởng bình thường trong quá khứ.
Trong lúc khu vực Công nghiệp, xây dựng đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng thì Dịch vụ lại là một trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế trong thời gian hiện tại. Du lịch cũng đã hồi phục sau dịch khi nhìn vào số lượng khách nội địa tuy nhiên số khách nước ngoài vẫn còn cách xa mức đỉnh 2019 và mức chi tiêu hiện tại vẫn chưa cao.
MPS cho rằng, mức độ lạc quan về tình hình kinh tế của người tiêu dùng bắt đầu tăng lên nhưng vẫn chưa trở lại mức của năm 2022. Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế cải thiện, số hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính đã giảm nhẹ, nhưng người tiêu dùng vẫn còn rất thận trọng trong tiêu dùng, thể hiện qua việc chi tiêu không tăng.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, sự xuất hiện của các xu hướng bán lẻ mới được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với ngành đặc biệt đối với các doanh nghiệp bán lẻ với cửa hàng truyền thống, cụ thế.
Thứ nhất, Bán lẻ đa kênh (Omnichannel) sẽ là một trong những xu hướng tất yếu và quan trọng nhất trong thời gian sắp tới. Xu hướng này đã và đang thay đổi bộ mặt ngành và thậm chí đã dẫn đến một số “cái chết” của các doanh nghiệp bán lẻ chậm trễ trong việc thích nghi.
Thứ hai, Shoppertainment – xu hướng bán lẻ kết hợp với nội dung giải trí nhằm tăng trải nghiệm khách hàng – sẽ là một trong những xu hướng quan trọng trong thời gian sắp tới.
Thứ ba, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng Shoppertainment cao nhất thế giới hiện tại. Các nền tảng nội dung như Tiktok hiện cũng đã bắt kịp được xu hướng này khi tích hợp vào nền tảng thương mại trực tuyến song song với kênh nội dung.
Đánh giá về triển vọng của từng lĩnh vực, PHS cho rằng, các ngành tiêu dùng không thiết yếu hiện chưa hồi phục. Cụ thể, ngành bia là ngành không thiết yếu và liên tục gặp những khó khăn từ sức cầu yếu của nền kinh tế cộng với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc kiểm soát nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
“Có thể ít nhất phải đến nửa cuối năm 2024 mới chứng kiến lại sự phục hồi của ngành bia khi nền kinh tế bước vào chu kỳ nới lỏng, ngành du lịch tiếp tục phục hồi kéo theo các hoạt động vui chơi, giải trí”, PHS đánh giá.
Với ngành heo, theo PHS, giá heo hơi hiện tại đang có mức giá trung bình trên toàn quốc là 48.000 đồng/kg, thấp ngang mức đáy tháng 3 của năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do sức cầu thấp của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt tại các bếp ăn khu công nghiệp.
Theo PHS, tại mức chi phí này các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đang hòa vốn hoặc thậm chí thua lỗ, nhiều khả năng sẽ hạn chế tái đàn. Tuy nhiên, với sức cầu yếu như hiện nay, giá heo sẽ không có biến động mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu heo sống vẫn sẽ kiềm chế đà tăng của giá heo. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn đang được kiểm soát tốt trong năm nay nhờ vào những kinh nghiệm trước đó, nên sẽ không có một sóng heo mạnh như năm 2020.
Trong khi đó, ngành sữa đã cho thấy mức độ hồi phục đáng kể, có thể nhìn thấy qua mức tăng trưởng sản lượng % so với cùng kỳ năm trước và các doanh nghiệp sữa lớn như VNM, IDP, MCM.
“Giá sữa nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng trở lại và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 bởi nguồn cung bị thu hẹp tại các quốc gia sản xuất sữa lớn trên thế giới. Xu hướng này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của ngành sữa trong thời gian sắp tới”, PHS nhận định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn