Thursday, November 28, 2024

NIC hợp tác với “ông lớn” công nghiệp Đức phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Siemens sẽ tài trợ 100 bản quyền phần mềm thiết kế, gia công, mô phỏng cơ khí cho đào tạo về nhà máy thông minh, đặc biệt là chương trình đào tạo kỹ sư ngành bán dẫn.

NIC hợp tác với

 

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Siemens đã vừa ký kết biên bản hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thỏa thuận dựa trên việc khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của Siemens trong việc cung cấp công nghệ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như tận dụng những lợi thế và mạng lưới đổi mới sáng tạo của NIC để hỗ trợ doanh nghiệp có mong muốn đổi mới, tiếp cận thị trường toàn cầu và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các chương trình hỗ trợ, hợp tác của Siemens.

Theo đó, Siemens tài trợ 100 bản quyền phần mềm thiết kế, gia công, mô phỏng cơ khí cho đào tạo về nhà máy thông minh, đặc biệt là chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế ngành bán dẫn.

Ngoài ra, NIC sẽ kết nối Siemens với các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu và các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình đào tạo định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đặc biệt có chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế ngành bán dẫn, dưới sự hỗ trợ của Siemens. Chương trình này nằm trong đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà NIC đang triển khai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

NIC hợp tác với

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) hợp tác với Siemens nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy nhấn mạnh thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố nền tảng, giải pháp có tính căn cơ để ngành công nghiệp thực hiện tái cơ cấu, cũng như phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030 đồng thời mở rộng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Huy cho biết, với biên bản hợp tác ký kết sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa Siemens và NIC, thúc đẩy quá trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. 

Về phía Siemens, ông Bob Jones, Phó Chủ Tịch Điều hành Phụ trách Kinh doanh Toàn cầu của Siemens cho rằng khi nhu cầu của thị trường và khách hàng thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp phải tận dụng chuyển đổi kỹ thuật số để duy trì tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn. 

“Thế giới đang thay đổi và những kỳ vọng của khách hàng cũng đang thay đổi. Cần biến phức tạp thành một lợi thế cạnh tranh. Và việc chuyển đổi số thành công bắt nguồn từ chiến lược của công ty”, ông Bob Jones đánh giá.

Theo dự đoán của Statista, chi tiêu trên toàn thế giới cho chuyển đổi kỹ thuật số dự kiến ​​sẽ đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Theo Gartner, 91% doanh nghiệp tham gia vào một số hình thức sáng kiến ​​​​kỹ thuật số và 87% lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cho rằng số hóa là một ưu tiên.

Do vậy, ứng dụng công nghệ là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp đang tìm cách tăng tốc phát triển, đổi mới và chinh phục thị trường toàn cầu. Bằng cách nắm bắt công nghệ và tận dụng những lợi thế của mình, các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cải thiện khả năng cạnh tranh và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Với cách tiếp cận chiến lược và cam kết thay đổi, các tổ chức có thể khai thác sức mạnh của công nghệ để đạt được những kết quả vượt trội trong bối cảnh kinh doanh phát triển nhanh chóng ngày nay.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) công bố vào tháng 10 năm 2023, Việt Nam xếp vị trí 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Chỉ số của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới và được đánh giá là một trong những quốc gia khởi nghiệp tốt nhất Đông Nam Á.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img