Bài chòi là nghệ thuật do nhân dân sáng tạo, phục vụ nhân dân và được nhân dân yêu mến, gìn giữ. Đó là nghệ thuật của hạnh phúc,vì nó mang lại sự tươi vui, thư thái, yêu đời cả cho người chơi và người thụ hưởng.
Đó cũng là nghệ thuật dân gian không cam chịu mai một hay “thất truyền”, mà đã phát triển ở thời đương đại thành nghệ thuật ca kịch bài chòi, song song tồn tại với nghệ thuật bài chòi cổ.
Trong những năm tháng chiến tranh chống xâm lược, nghệ thuật bài chòi đã “ra trận” cùng những đoàn văn nghệ xung kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng tại miền Trung, và đã góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Từ nghệ thuật hồn nhiên, nghệ thuật hạnh phúc tới nghệ thuật yêu nước, bài chòi đã là viên ngọc sáng trong kho tàng nghệ thuật dân tộc. Nó đã sống tự nhiên, hồn nhiên…
Tất nhiên, loại hình nghệ thuật dân gian nào cũng xuất phát từ sự hồn nhiên, vì nó đều được thể hiện và đồng sáng tạo bởi những nghệ nhân dân gian, những người nông dân hồn nhiên từ bản chất, ngày xưa chỉ quen ở bên trong lũy tre làng. Nhưng có lẽ trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, thì bài chòi và hô bài chòi là nghệ thuật hồn nhiên bậc nhất. Vì sao như vậy?
Bài chòi và hô bài chòi là một trò chơi, một trò chơi văn nghệ nhằm giúp gây hưng phấn, vui thú, giải tỏa cho cả người trực tiếp chơi lẫn người xem. Trò chơi bài chòi được tổ chức vào những ngày đầu xuân nên lại càng phơi phới những tươi vui. Đó là trò chơi có thưởng, có dùng những quân bài, nhưng không phải là trò đánh bạc.
Anh hiệu – nghệ sĩ ẩn danh – chính là nhân vật trung tâm của bài chòi. Đó là một nghệ sĩ dân gian diễn xướng những bài bản có sẵn lẫn những sáng tạo tức thời mang tính ngẫu hứng, những bài thơ ứng tác đậm dấu ấn cá nhân. Có thể nói, anh hiệu chính là một nhà thơ dân gian, một người ngày xưa ít nhiều có học trong làng, dù dở dang, và nhất là có năng khiếu đặt vè, hát thơ, sáng tác và ứng tác rất linh hoạt những bài vè hay thơ lục bát, lục bát biến thể một cách trực tiếp, hài hước, tươi vui, nhuần nhị.
Thế còn nghệ thuật bài chòi ở miền trung Việt Nam, nó khởi lên từ hồi nào? Nhà âm nhạc học người Pháp tên là Bô-vi-ê (G.L.Bouvier) đã đến Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở nước ta, ông cho rằng: “Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, những địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng, có điều kiện kết hợp nhanh chóng với nền văn hóa dân gian, với một số làn điệu dân ca, hò, lý, hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò đi cấy… còn giữ được bản sắc ban đầu, đồng thời phát triển, sáng tạo ra các làn điệu mới”. (Theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên trong Quê hương điệu hát Bài Chòi, Sài Gòn 1974. Dẫn lại theo nhà nghiên cứu Trần Hồng).
Như thế, nghệ thuật bài chòi có lẽ thịnh nhất ngay từ thời Trấn quốc công Bùi Tá Hán (nửa đầu thế kỷ 16) lãnh đạo người Việt cùng người bản địa khai phá và canh tân miền Trung. Nó có thể theo chân những binh lính và lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở miền này, nhưng đối tượng phục vụ của nó gồm cả người dân Việt và người dân Chăm. Đây có thể coi là một hình thức nghệ thuật diễn xướng đậm chất Việt, nhưng được thử thách và tồn tại ở ngay mảnh đất mà ban đầu, nghệ thuật của người Chăm giữ vị trí quan trọng. Lý do để nghệ thuật bài chòi có được chỗ đứng vững vàng trong sinh hoạt cộng đồng Việt – Chăm nằm ở ngay tính hồn nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của nó ở chỗ nó không phân biệt, nó bình đẳng với mọi người chơi và mọi người nghe. Tuồng hát bội ban đầu chỉ biểu diễn ở cung đình hay ở các nhà quan lớn, dành cho những đối tượng người xem chọn lọc; về sau mới hướng về phục vụ cả dân chúng. Còn bài chòi, ngay từ đầu đối tượng phục vụ của nó đã là lính, là dân, là bất cứ ai ham thích trò chơi này, không phân biệt. Với cư dân nông nghiệp Việt Nam, mùa xuân là mùa lễ hội, mùa của sự thăng hoa và tinh thần dân chủ. Đó cũng là mùa của bài chòi. Ta thử nghe một đoạn bài chòi:
“Chỗ này là chỗ vui chơi
Có trống nẫu nhịp, có cây kèn nẫu thổi
ò í e…
Có rượu rồi lại có chè
Cô cứ gác chân tréo ngoảy ngồi nghe
Hô bài (…)
Tôi bưng khay rượu nạm vàng
Chúc mừng năm mới an khang
xóm làng…”.
Cô gái “gác chân tréo ngoảy”, cái động tác ấy mới hồn nhiên và dân chủ làm sao! Và cũng dễ thương biết chừng nào! Ngay tên những con bài cũng đã nói lên tính bình dân và dân chủ rất rõ. Như câu hô thai (hô đố) Nhứt Nọc này:
“Tay cầm sào chống lái
Mắt liếc bãi lều tranh
Ở đây đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi bạc gành nghê
Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao
Thú vui ngang dọc một sào
Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu
Tiếng ai văng vẳng kêu đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người”.
Người nghe tinh ý biết ngay câu thai (đố) ấy ứng với con bài Nhứt Nọc. Đúng là đố vui có thưởng! Nhưng trên đường giải đố, người nghe đã được hưởng trọn vẹn một đoạn hô chòi rất hay, nó là tâm sự của một anh chèo đò, mà cũng là những câu thơ sinh động vẽ nên cảnh sông nước ngày xưa.
Nghệ thuật bài chòi trên đường hoàn thiện mình đã thu hút vào nó những làn điệu dân ca, những điệu lý có nguồn gốc từ âm nhạc Chăm. Nhưng tiêu chí để thu hút của nó vẫn là sự hồn nhiên.
Cùng với sự hồn nhiên, điểm thu hút đặc biệt của bài chòi là tính hài hước. Cái này là “độc quyền” của các anh hiệu. Những anh hiệu nào càng có những câu hô thai hài hước, thậm chí có những câu thơ ứng tác chọc cười có duyên nhất là những anh hiệu “ăn khách” nhất, được bà con hưởng ứng nhiều nhất, ủng hộ nhiều nhất. Và những câu hô thai ấy, dù không được ghi ra giấy, vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của những người dân chơi hay nghe bài chòi. Ở đây có thể coi bài chòi là một dòng văn học dân gian truyền miệng, một kiểu “trình diễn thơ” độc đáo mà bây giờ khó có nhà thơ “mô-đéc” nào theo kịp trong khả năng thu hút công chúng.
Hồn nhiên và hài hước, đó không chỉ là bí quyết trường thọ của bài chòi, mà còn là bí quyết trường thọ của văn học, của thơ ca. Sự tương tác với công chúng ở bài chòi đã đạt tới đỉnh cao, và nó tạo ra một từ trường đồng sáng tạo mà văn học nghệ thuật hiện đại luôn ao ước.
Mãi mãi, bài chòi thuộc về nhân dân.
Xin giới thiệu ở đây một bài thơ lục bát của nhà thơ quê Mộ Đức Nguyễn Mậu Chiến, một bài thơ hoàn toàn có thể chuyển qua hô bài chòi, để hô hát trong dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay, 2024.
LÝ SƠN NÚM RUỘT QUÊ NHÀ
Vẫn là…biển biếc, sóng xô
Vẫn ghềnh đá, rặng san hô, vậy mà
Bồi hồi, da diết lòng ta
Lý Sơn núm ruột quê nhà là đây
Chiều Thới Lới gió vờn bay
Vấn vương Hòn Sỏi, Hòn Tai, Giếng Tiền
Chùa Hang, Chùa Đục, Suối Chình
Nao nao con sóng dập dềnh Bàn Than
Nhớ xưa…mỏng mảnh thuyền nan
Binh phu chèo chái vượt ngàn gian nguy
Hành trang nào chẳng có chi
Nẹp tre, chiếu mỏng, thẻ bài, dây mây…
Nếu không may thác bỏ thây
Hòa vào biển cả thân này sá chi
Quốc hải cương đã khắc ghi (*)
Chủ quyền đất nước không gì đổi thay
Chiều Mộ gió khói sương bay
Cúi đầu con lạy các Ngài hùng binh
Một lòng, một dạ trung trinh
Vẹn-toàn-bờ-cõi đinh ninh một lòng
Tiếng ốc u vọng xa khơi
Khao lề thế lính bùi ngùi tháng Ba
Lý Sơn núm ruột quê nhà
Ngày đêm đau đáu Hoàng Sa, ơi người!
Nguyễn Mậu Chiến
(*) “Bảo quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, dịch nghĩa: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng”- Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân 1836.
Nguồn: thanhnien.vn