Chiều 6.2, Sở Giáo dục Nam Úc thông báo tạm dừng nhận học sinh Việt Nam từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đến học bậc phổ thông công lập và một số lĩnh vực giáo dục khác trên toàn bang này.
Lý do tạm dừng
Để đến Nam Úc học bậc phổ thông công lập hoặc một số lĩnh vực giáo dục khác, du học sinh Việt cần đăng ký thông qua chương trình giáo dục quốc tế (International Education program). Đây là chương trình được triển khai từ năm 1989 bởi Sở Giáo dục Nam Úc, đến nay đã thu hút hàng nghìn sinh viên quốc tế với du học sinh Việt là một trong những nhóm đông nhất.
Song, từ thời điểm này, chương trình giáo dục quốc tế sẽ tạm dừng nhận học sinh Việt Nam đến từ 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Quyết định trên được đưa ra trong quá trình xem xét quê quán của nhóm nhỏ du học sinh Việt mất tích tại Úc thời gian qua, đồng thời tuân thủ đạo luật Dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên quốc tế (ESOS 2000) nhằm bảo vệ tính trung thực của hệ thống thị thực nước này, theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc.
“Quyết định tạm dừng sẽ được xem xét lại nếu cần thiết”, người phát ngôn nhấn mạnh, song không nêu rõ thời gian hoặc bối cảnh cụ thể để được xem xét lại.
Cũng theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc, cảnh sát đang nỗ lực xác định vị trí của các du học sinh Việt mất tích. Mặt khác, cơ quan này vẫn tiếp tục làm việc với cảnh sát, gia đình giám hộ người bản xứ, trường học và các công ty tư vấn du học để đảm bảo kết quả tốt nhất cho tất cả các bên.
Trước đó, trả lời Báo Thanh Niên hôm 18.1, người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc cho biết các du học sinh Việt mất tích đều rời khỏi nhà gia đình giám hộ người bản xứ mà không có sự cho phép. Trong mỗi trường hợp, Sở Giáo dục Nam Úc đều lập tức kết nối với cảnh sát địa phương lẫn gia đình của các em tại Việt Nam để báo tin. Và đến nay, cơ quan này đã liên lạc được với gia đình tại Việt Nam của các em.
Những cập nhật mới
Sunnie Nguyễn (17 tuổi, quê Quảng Bình) mất tích bí ẩn tại Úc vào tối 8.1 sau bữa ăn tối tại nhà gia đình giám hộ người bản xứ. Em là du học sinh Việt thứ 5 mất tích từ tháng 12.2023. Tất cả đều học ở Trường trung học Hamilton (thành phố Adelaide, bang Nam Úc), mỗi em mất tích vào một thời điểm khác nhau và cảnh sát nhận định không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp mất tích.
Trước đó, trả lời tờ Daily Mail hôm 1.2, bà May Zervaas, gia đình giám hộ người bản xứ của Sunnie Nguyễn, cho biết kể từ khi nữ sinh tắt nguồn điện thoại và xóa sạch mạng xã hội lúc vừa mất tích, bà luôn cố gắng liên lạc với em bằng các kênh khác nhau trong những tuần qua và hy vọng một trong số chúng sẽ hoạt động trở lại. “Nhưng đến nay vẫn không có tin mới“, bà Zervaas chia sẻ.
Phát ngôn viên cảnh sát Nam Úc ngày 29.1 thì cho biết họ tin rằng các du học sinh Việt mất tích đang “chủ động lẩn trốn chính quyền”. Người phát ngôn viên cho biết thêm, cảnh sát Nam Úc đang tiếp tục hợp tác với cảnh sát các bang khác cũng như Cảnh sát liên bang Úc (AFP) để hỗ trợ định vị những thanh thiếu niên Việt Nam đang mất tích.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nam Úc vừa kết thúc kỳ nghỉ hè và đã khai giảng năm học mới vào ngày 29.1. Theo Sở Giáo dục Nam Úc, năm 2024 ghi nhận có hơn 185.000 thanh thiếu niên theo học tại các trường phổ thông và trường mầm non trên toàn tiểu bang. Con số này bao gồm cả sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Vụ việc này đặc biệt gây xôn xao dư luận tại Úc và Việt Nam vì một trong những du học sinh Việt mất tích là Sunnie Nguyễn được cho là còn thời hạn thị thực lên đến 3 năm, cũng được gia đình giám hộ người bản xứ miêu tả là rụt rè, gặp khó khi giao tiếp bằng tiếng Anh và “vẫn phải nhờ người khác phiên dịch thay” mỗi khi ra ngoài, dù đã đến Úc hơn 6 tháng.
Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về vụ 5 du học sinh Việt mất tích ở Úc.
Toàn cảnh vụ du học sinh Việt mất tích
Tháng 6.2023: Sunnie Nguyễn đến Úc học tại Trường trung học Hamilton. Em cư trú ở nhà gia đình bản xứ tại khu South Plympton, vùng ngoại ô TP.Adelaide cùng 2 sinh viên quốc tế, với công việc thường ngày là đến trường, về nhà ăn tối, quay video với bạn cùng nhà và thỉnh thoảng đi làm thêm ở một thẩm mỹ viện chuyên làm nail cách trường 15 km.
Ngày 8.1.2024: Sau khi ăn tối cùng gia đình bản xứ vào khoảng 19 giờ, Sunnie về phòng nghỉ ngơi. Đến khi chủ nhà kiểm tra phòng lúc 23 giờ, em đã biến mất cùng ba lô, laptop, một ít quần áo và vài giấy tờ tùy thân quan trọng. Chủ nhà sau đó cố liên lạc với Sunnie, nhưng điện thoại của em tắt nguồn và các tài khoản mạng xã hội cũng bị xóa sạch. 30 phút sau, chủ nhà trình báo cảnh sát về việc nữ sinh mất tích.
Ngày 11.1: Cảnh sát Nam Úc tiết lộ Sunnie là du học sinh Việt thứ 5 mất tích bí ẩn, trong đó có em đã mất tích hơn 1 tháng. Vụ việc này diễn ra từ tháng 12.2023 đến nay. Cảnh sát đồng thời tuyên bố 5 vụ mất tích (trong đó đã định vị được một) không liên quan đến nhau. Cùng ngày, bạn thân Sunnie cũng dọn đến nhà em và người này được cho là không hề biết gì về sự mất tích bí ẩn của nữ sinh.
Ngày 18.1: Sở Giáo dục Nam Úc nói với Báo Thanh Niên rằng các du học sinh Việt đã rời khỏi nhà gia đình người bản xứ mà không có sự cho phép, và cơ quan giáo dục Úc cũng đã liên lạc được với người nhà của các em. Các em cũng không gặp nguy hiểm gì đến thời điểm hiện tại.
Ngày 29.1: Cảnh sát Nam Úc tin rằng các du học sinh Việt mất tích đang “chủ động lẩn trốn chính quyền”.
Ngày 6.2: Sở Giáo dục tiếp tục thông tin với Báo Thanh Niên rằng Nam Úc đã tạm dừng tiếp nhận học sinh từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (là quê quán của các du học sinh Việt mất tích) đến học bậc phổ thông công lập và một số lĩnh vực giáo dục khác trên toàn bang.