Những bức vẽ hài hước về Tết Nguyên đán đang trưng ra muôn mảnh ghép thú vị. Và câu chuyện lì xì mừng tuổi đầu xuân vẫn luôn khiến lòng người trăn trở không dứt…
Bà cụ trong tranh tuổi ngoài sáu mươi mải mướt nhặt ve chai những ngày cận tết, bán được đôi ba đồng lận lưng và để dành lì xì cho sắp nhỏ. Mùng một tết, bà rút phong bao đỏ thắm tặng hai đứa cháu. Một cháu hớn hở cầm phong bao lì xì chạy đi khoe mẹ, cháu còn lại xé toạc và bĩu môi chê “Có hai chục ngàn…”. Bà “đứng hình” trước ứng xử của trẻ con. Lòng bà hẳn là đang buồn hiu hắt bởi nhiều giá trị đang vụn vỡ…
Những tình huống khó xử
Đó là khi ta đang hào hứng bỏ từng tờ tiền mới tinh mệnh giá mười nghìn, hai chục nghìn vào phong bao đỏ thắm, nghĩ về ngày mai, ngày kia trao tận tay bọn nhỏ kèm lời chúc “mau ăn chóng lớn”, “học giỏi ngoan ngoãn”, “chạm tay vào ước mơ”… thì bỗng nhiên nghe bầy trẻ con kể lể chuyện năm trước cô A, chú B “kẹo kéo” vì chỉ lì xì có… hai chục nghìn.
Đó là khi ta chắt chiu dành dụm, đong đếm cân đo để cất riêng một khoản mừng tuổi bầy cháu nhỏ và cảm thấy lâng lâng niềm vui bởi sự quan tâm chân thành của mình thì đứa trẻ trước mặt chẳng mấy hài lòng với tờ tiền khiêm tốn nằm khép mình trong phong bao lì xì. Sau đó có trẻ còn ném tờ tiền về phía phụ huynh trong khi bố mẹ con cười xuề xòa như chuyện bình thường.
Đó là khi ta tình cờ nghe bọn trẻ “than thở” về chuyện mừng tuổi ngày càng trượt giá, chẳng đủ để mua smartphone, iPad hoặc chẳng xứng với “bài ca” chúc tết mà mình đã thuộc lòng và ra sức “biểu diễn”…
Đó là khi ta nghe người lớn quanh mình chép miệng so sánh nhà kia lì xì chỉ bằng một nửa mình đã móc ví ra, tặc lưỡi kể lể tết nhứt “đi tong” gần chục triệu cho khoản lì xì, rỉ tai nhau nhận tiền lì xì lớn để đáp lễ cho ai đó đã từng giúp đỡ… Tâm trí ta nặng trĩu nỗi niềm bởi mỹ tục tốt đẹp đã và đang biến tướng.
Đó là khi ta lướt mạng xã hội và gặp vô số lời xao xác hỏi han nhau “năm nay mừng tuổi bao nhiêu là vừa” hoặc lời đề nghị “ta hãy đưa ra một mức sàn lì xì cho khỏe cái thân, nhẹ cái tâm tính toán”… Nét đẹp ngày tết cổ truyền đang dần dà biến thành gánh nặng khiến người lớn hớt hải lo toan, trẻ con hóng hớt tính toán nhiều ít từ bao giờ?
Mỹ tục mừng tuổi người trẻ, chúc sức khỏe người già gửi gắm qua những chiếc phong bao đỏ thắm đang dần rời xa giá trị đích thực.
Người lao động nghèo chọn ăn tết xa nhà vì gánh nặng lì xì, quà cáp
Trả lại ý nghĩa tục lì xì ngày tết
Thiết nghĩ mỗi người lớn phải thay đổi nhận thức “mệnh giá tiền càng lớn, trẻ càng vui” và “lì xì nhiều là yêu thương nhiều”! Có như vậy chúng ta biết chừng mực khi bỏ tiền vào phong bao mừng tuổi, vơi gánh nặng lo toan mỗi dịp tết đến xuân về.
Hãy truyền cho trẻ thông điệp tốt đẹp về những chiếc phong bao đỏ thắm gói gắm tình yêu thương, sự quan tâm và lời chúc an lành, may mắn thông qua các cuộc chuyện trò bên mâm cơm gia đình, qua các chuyến du xuân thong dong trên mọi nẻo đường.
Đừng bao giờ quên nhắc nhở con trẻ ứng xử tử tế khi nhận phong bao lì xì bằng câu chúc tết, lời cảm ơn cùng nụ cười tươi tắn. Tuyệt đối không được mở phong bao trước mặt khách, không được xé toạc rồi õng ẹo chê bai nhiều ít.
Định hướng cho trẻ sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý cũng là một yêu cầu quan trọng để ứng xử tử tế với lì xì. Sắp xếp một kế hoạch nho nhỏ cho khoản tiền mừng tuổi trở nên hữu ích.