Hằng năm, 21 công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam tăng doanh số phát hành 4 kỳ dịp Tết Nguyên đán. Thông lệ này khiến giới bán vé số kẻ khóc, người cười.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các kỳ tăng vé số phát hành diễn ra từ ngày 3.2 – 1.3 (từ ngày 24 tháng chạp đến ngày 21 tháng giêng). Trong thời gian đó, mỗi công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam được phép tăng doanh số phát hành từ 12 triệu vé/kỳ (tương đương 120 tỉ đồng/kỳ) lên thành 14 triệu vé/kỳ (tương đương 140 tỉ đồng/kỳ).
“Tụi tui lo lắm”
Ngày 29.1, bà Thuận – chủ đại lý vé số Thanh Tâm (đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho chúng tôi hay: “Tui đã được thông báo là từ ngày 24 tháng chạp này, công ty xổ số bắt đầu tăng vé. Tụi tui lo lắm, vì phần lớn bạn hàng nghỉ bán từ chiều 24 tháng chạp để về quê ăn tết”.
Theo chủ đại lý vé số Thanh Tâm, thông thường các công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam tăng vé trong khoảng 1 tuần trước tết và 3 tuần sau tết. Trong 1 tháng này, mỗi cây (cùi) vé từ 120 tờ tăng lên thành 140 tờ. Sau thời gian trên, doanh số phát hành của khu vực trở lại bình thường.
Mỗi ngày đại lý vé số Thanh Tâm nhận bán khoảng 10.000 vé. Với 4 kỳ tăng vé trên, ngoài số vé cố định, đại lý này phải nhận thêm vài ngàn vé/ngày. Trong khi đó, 2/3 trên tổng số hơn 35 bạn hàng là những người bán vé số dạo đã về quê ăn tết.
“Những tết trước có người ra – vô, có người từ quê lên bán trong dịp tết kiếm tiền. Còn năm nay họ nói bán buôn ế ẩm, vừa khó khăn vừa bệnh tật vô thường, vì vậy người ta chọn về ăn tết với gia đình rồi… tính sau. Nói chung, tết nào vợ chồng tui cũng thấp thỏm lo bán vé số, nhưng tết này hồi hộp hơn nhiều”, bà Thuận giãi bày.
Chủ đại lý Thanh Tâm cho rằng mấy tháng cận tết, đại lý của vợ chồng bà thường không đủ vé để phân phối do có đông người bán dạo. Bà nhiều lần “năn nỉ” đại lý cấp 1 giao thêm vé nhưng không được chấp nhận, dù bà là bạn hàng lâu năm.
Bà Thuận nêu ý kiến: “Không hiểu các công ty xổ số tăng phát hành vé dịp tết để làm gì. Thay vì đầu tháng chạp, công ty tăng vé để mọi người bán kiếm đồng tiền ăn tết, rồi từ từ cắt lại cũng được. Đằng này… Lúc có vé quá trời thì không có người bán; lúc không có vé thì người bán quá trời, giành giựt nhau, chửi lộn nhau”.
Cùng tình cảnh, bà T. (vừa bỏ vé cho bạn hàng vừa bán lẻ trên đường Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Tết, người ta thấy cần về là họ phải về thôi, mình không thể cản họ được. Thiếu người bán thì vé dư. Đã vậy, các công ty xổ số còn tăng vé vào dịp tết, mỗi seri từ 12 tờ lên 14 tờ, khiến vé càng dư. Sau 1 tháng, công ty giảm vé trở lại như cũ thì bắt đầu vô mùa mưa… Thực sự, làm nghề này có những cái khó nói”.
Năm nay, bà Nguyễn Thị Hường (64 tuổi, quê Bình Định, ở trọ tại hẻm số 3 đường Nguyễn Văn Săng, Q.Tân Phú, TP.HCM) tiếp tục bán vé số xuyên tết. Bà rầu rĩ: “Mọi năm người ta dặn tui giao hơn 2.000 tờ vé số, trong khi giờ này chưa có ai đặt. Tui có một khách hàng tết nào cũng đặt 200 vé, nhưng năm nay cổ nói làm ăn thua lỗ quá nên ngưng luôn”.
“Tết là bù đầu luôn”
Chị T., chủ đại lý vé số cấp 2 tại H.Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: “Người ta ăn tết vui vẻ, còn vợ chồng tui thở không ra hơi”.
“Tết không có mùa xuân, năm nào cũng vậy hết. Nhiều lúc mình đói muốn chết, con cái cũng đói. Mùng 1, tui đưa cho con cái bánh tét mặn người ta cho, nói: “Ăn đi con! Khi nào mẹ rảnh thì nấu mâm cơm cúng”, chị T kể.
Theo chị T., tết nào cũng vậy, các công ty xổ số tăng vé, kéo dài trong vòng 1 tháng. “Với tụi tui, tết là bù đầu luôn! Khi có bạn hàng gọi điện bảo đem vé tới, dù xa tới đâu mình cũng ráng đi. Nếu không đem thì mình ôm vé, nên có lỗ tiền xăng đi nữa cũng kệ”.
Cơ hội của người thất nghiệp
Không ít đại lý vé số tại TP.HCM hiện “đau đầu” để giải bài toán: Phải làm sao với vé dư, khi nhiều bạn hàng về quê ăn tết?
Chị L., chủ một đại lý vé số trên đường Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM có hơn 40 bạn hàng là người Campuchia, người miền Nam, và họ thường bán vé số xuyên tết. Trong khi đó, “quân số” tại đại lý của người mẹ nuôi chị L. trên đường Trần Văn Đang, Q.3 đều là người miền Trung (Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định…), phần lớn họ về quê dịp tết. Cũng như những năm trước, chị L. tận dụng bạn hàng của mình và bản thân chị cũng bán cật lực để “choàng” thêm cho đại lý mẹ nuôi.
Bên cạnh đó, một số đại lý bắt đầu mạnh tay “chia vé” cho những người thất nghiệp muốn bán vé số kiếm tiền trong dịp tết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài tháng trước, có nhiều người bị mất việc làm đã đến đại lý xin lãnh vé số đi bán. Tuy nhiên, đa phần họ bị từ chối vì vé khi đó không đủ chia cho bạn hàng lâu năm. Vậy nên, người nào được chủ đại lý giao cho ít vé coi như “gặp may”.
Vốn là thợ tiện, ông Lê Văn Dũng (57 tuổi, tạm trú Q.Tân Phú, TP.HCM) bị mất việc cách đây hơn 2 tháng. Thương tình cảnh nghèo khó của ông Dũng, chủ cũ cho ông tiếp tục tá túc tại xưởng cơ khí trên đường Tân Sơn Nhì. Rồi ông tìm đến đại lý Thanh Tâm gần xưởng, xin đầu quân bán vé số dạo.
Vợ chồng bà chủ đại lý vé số Thanh Tâm cũng chiếu cố hoàn cảnh ông Dũng, chấp nhận bị bạn hàng cằn nhằn để san sẻ vé cho ông ngay tháng cận tết khan hiếm vé số.
Lúc đó, chủ đại lý nói với chúng tôi: “Mức độ ông Dũng bán mỗi ngày được 240 tờ, mà tui chỉ đưa ổng 120 vé, tội lắm luôn. Nhưng vé số không đủ cho các bạn hàng, mình phải “xé xé” ra một ít cho những người mới như ông Dũng, để họ kiếm cơm sống tạm”.
Dịp tết này, tình thế đã khác. Hơn một tuần nay, ông Dũng có thể nhận bán 200 – 300 tờ vé số/ngày, tùy theo khả năng bản thân. Có điều, do cả tin, mới đây ông Dũng lại bị kẻ xấu lừa đổi vé số giả trúng thưởng, mất hết 600.000 đồng. (còn tiếp)
Vì sao đại lý vé số không dám nghỉ tết?
Một số chủ đại lý vé số cấp 2, cấp 3 cho biết nhiều năm nay, họ không dám dừng việc bán vé số để nghỉ ngơi, ăn tết một vài ngày như nhiều ngành nghề khác. Ngay cả khi biết có nhiều bạn hàng về quê đón tết, họ cũng không dám báo đại lý cấp trên để giảm vé.
Vì sao như vậy? Lý do chung được nêu ra là: “Đại lý cấp trên nói nếu ai báo giảm, hoặc không bán dịp tết là bị cắt giảm vé luôn. Thí dụ mình nghỉ tết, sau tết mình có muốn bán thì khó lắm, họ nói phải chờ đợi người nào nghỉ mới đưa mình vô lại. Nên bao cái tết chúng tôi vẫn phải trú ở đây để giữ vé, mà không được ưu tiên gì cả”.