Ngày khánh thành trường mới, niềm vui bao trùm khắp bản làng xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Trường Trống Trở đã hết trống trải, các cô giáo bám bản vừa hạnh phúc, vừa nghẹn ngào nhớ lại những ngày đầu gian nan.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, cô Lò Thị Tâm (33 tuổi), giáo viên mầm non tại điểm trường Trống Trở, xã Hồ Bốn – một trong những điểm trường khó khăn nhất huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lại tranh thủ thời gian đi thăm gia đình học sinh khó khăn trước kỳ nghỉ tết.
Đã ở bản vùng cao được 13 năm, cô Tâm cũng như cô Luân đã dần quen với cuộc sống của người dân nơi đây. Nhớ lại những ngày đầu lên bản, các cô giáo trẻ dưới xuôi không kìm được nước mắt…
“Mới đầu lên đây còn khóc ý, còn không quen, tối ngủ ở trường ở lớp còn ma dọa, không quen tí nào, gọi về nhà khóc tu tu. Đường đi thì sợ, dốc ngược, ngày xưa không có đường bê tông, đường đá kinh khủng lắm. Phải 2-3 năm sau mới quen được”, cô Tâm kể lại.
Cùng tâm trạng, cô Luân chia sẻ: “Để mà nói về những năm đầu tiên mình lên đây, đi đường rất vất vả, đi thì đi bộ hơn chục cây số, đúng là vừa đi vừa khóc, khi mà đi mang cả trứng, cá khô vì nghĩ đi lên đấy cả tuần, trên đấy thì xa nơi trung tâm nên đi rất vất vả, khi lên đây mang được gì lên mới có đồ để ăn cả tuần trên đấy”.
“Tôi lên đây được 16 năm, ở cơ sở chính được 4 năm còn lại toàn đi bản mà mỗi năm đi 1 bản, có những bản ở lâu nhất được 5-6 năm gì đấy.
Những ngày mưa, đất đá trôi ra nhiều những ngày mưa gió xe phải lắp xích đằng sau, còn xích đầy hết một ít đất vào thì vẫn bị đổ ngã. Nếu đi một đoạn không đi được nữa thì phải xuống xe, hai cô đẩy xe lên và tiếp tục cuộc hành trình như thế”, cô Hoàng Thị Tươi, một giáo viên bám bản tại huyện Mù Cang Chải nói.
Điểm Trường Trống Trở là một trong bốn điểm trường trên núi, thuộc trường Mầm non Hoa Huệ, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Nằm ở trên đỉnh đồi, trước đây điểm trường chỉ có hai phòng học cũ là nhà lắp ghép, một phòng học quây tôn đã mục nát hiện dùng làm kho, mùa hè rất nóng, mùa đông lại lạnh giá.
Những ngày cận Tết, niềm vui đã đến với cả cô và trò. Trường Trống Trở đã hết trống trải nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm.
Ngôi trường chỉ vây quanh bằng những tấm tôn tạm bợ đã được thay bằng ngôi trường mới gồm 2 phòng học 70 mét vuông, đầy đủ nhà bếp và nhà vệ sinh khang trang.
Ông NISHIDA HIDEKI – Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam, đại diện đơn vị tài trợ bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng và hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các em học sinh và cô giáo tại điểm trường Trống Trở. Hy vọng rằng lớp học khang trang này sẽ giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn và thêm vững bước trong tương lai”.
Ngày khánh thành trường mới, niềm vui bao trùm khắp bản làng xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Cờ hoa rực rỡ, những điệu múa câu ca vang khắp bản làng.
Một bữa ăn thịnh soạn có đầy đủ xôi, gà rán, xúc xích, em nào cũng tò mò háo hức vì lần đầu tiên được thưởng thức, trong khi ngày thường chỉ được ăn trứng với cá khô.
Bà Lương Thị Xuyến – Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thông tin: “Đối với huyện Mù Cang Chải, 91% người Mông nên việc không có chỗ để nấu ăn cho các cháu vào buổi trưa. Với một vùng đồng bào dân tộc thiểu số thế này, việc chuẩn bị cơm cho con buổi sáng mang đi rất hạn chế. Khi đến trưa cơm nguội, canh không có, chỉ có một chút thức ăn. Việc có thêm một bếp ăn như vậy là phong trào chúng tôi đang thực hiện ở các điểm trường lẻ đó là thực hiện 5 bữa ăn trưa nóng cho học sinh ở trường”
Không chỉ được ăn ngon, các em còn nhận được nhiều quần áo ấm mang về. Tết đã đến sớm hơn với đồng bào nơi đây, tiếp thêm động lực trong hành trang đến trường cho các em nhỏ.
“Có ngôi trường mới này chắc chắn các cô ai cũng thích đi bản và cũng muốn đi bản để đến với ngôi trường đẹp thế này. Đây là một ngôi trường đẹp đẽ và khang trang nhất xã Hồ Bốn này”, cô Luân – nữ giáo viên mầm non vừa nghẹn ngào, vừa hạnh phúc nói.
Nguồn: thanhnien.vn