Ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, mời quý vị cùng Báo Thanh Niên điểm lại những khoảnh khắc giao thừa đáng nhớ tại một số địa phương, tìm hiểu về linh vật rồng, và lắng nghe những câu chuyện ấm áp trong mùa tết.
Loài rồng: Sinh vật kỳ bí với hình tượng trái ngược trong văn hóa Đông – Tây
Rồng là hình tượng rất phổ biến trong văn hóa Đông Á. Con rồng, trong tiếng Hoa gọi là long, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong truyền thống Trung Quốc và thường được miêu tả với thân hình rắn chắc, dài cuồn cuộn, không có cánh và được mang một số đặc điểm của các loài động vật khác như cá chép, hổ và đại bàng.
Rồng được coi là biểu tượng thiêng liêng của sự may mắn, quyền lực và giàu có.
Một mảng chạm hình rồng ở đình Chu Quyến (đình Chàng) – một kiến trúc gỗ dân gian tiêu biểu và đặc trưng ở thời Lê Trung hưng cuối thế kỷ 17, nay thuộc xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội
Còn trong văn hóa Việt, rồng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của người Việt. Rồng được người Việt xem như biểu tượng của quyền lực với sức mạnh siêu nhiên, có khả năng hô mưa gọi gió. Hình tượng rồng rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”.
Loài rồng: Sinh vật kỳ bí với hình tượng trái ngược trong văn hóa Đông – Tây
Ngược lại với phương Đông, rồng phương Tây được gắn với hình tượng quyền lực nhưng đáng sợ, thường được miêu tả là một loài bò sát to lớn, thở ra lửa với đôi cánh giống dơi, móng vuốt sắc nhọn và bản tính hủy diệt. Trong những mẩu chuyện thần thoại, chúng thường tượng trưng cho sự hỗn loạn và cái ác, đại diện cho một thế lực đen tối.
Trong Game of Thrones (Trò chơi vương quyền), rồng là sinh vật trung tâm của câu chuyện, mang sức mạnh vượt xa mọi năng lực siêu nhiên khác
Năm 2024 tính theo sự kết hợp của thiên can và địa chi, là năm Giáp Thìn nên hình ảnh linh vật rồng lại được các nghệ nhân tại Việt Nam đầu tư sức sáng tạo. Mỗi con rồng ở mỗi địa phương lại mang những dáng vẻ, thần thái khác nhau và thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau từ cây xanh, gốm sứ, thạch cao cho đến… mút xốp…
Tuy nhiên, khó để xác định đâu là nguyên mẫu của rồng để phân định được linh vật nào là đẹp hoặc giống rồng nhất, bởi đến hiện tại, sự tồn tại và nguồn gốc của sinh vật này vẫn đang là một bí ẩn lớn.
Tết trọn vẹn của nữ công nhân xứ Huế 10 năm ròng đón giao thừa xa nhà
Hơn 20 năm vào TP.HCM lập nghiệp thì 10 cái tết gần nhất, gia đình chị Nguyễn Thị Chuyền, anh Nguyễn NgọcTranh đều đón tết xa quê. Cũng là chừng ấy năm cậu con trai của gia đình anh chị chỉ được biết đến tết quê qua lời kể của cha mẹ, qua những cuộc gọi video với cậu mợ ở quê.
Nhưng năm nay, gia đình chị Chuyền sẽ đón một cái tết rất khác.
Tết trọn vẹn của nữ công nhân xứ Huế 10 năm ròng đón giao thừa xa nhà vì gánh nặng vé tàu xe
Dù 2023 là năm nhiều biến động, thu nhập của gia đình cũng không ổn định như những năm trước nhưng cả gia đình chị Chuyền và gia đình em gái chị đều sẽ được trở về quê ăn tết bằng những tấm vé xe miễn phí từ chương trình “Chuyến xe Mùa xuân – Hy vọng 2024” được tổ chức bởi Báo Thanh Niên, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM với sự tài trợ chính của nhãn hàng OMO.
8 giờ sáng, xe lăn bánh – chở theo vô vàn niềm vui, sự háo hức và hạnh phúc của những gia đình công nhân như chị Chuyền để về các tỉnh thành miền Trung đón tết.
Những chuyến xe hy vọng đã thực sự biến hy vọng thành niềm vui đoàn tụ với những công nhân sau một năm làm lụng vất vả. Năm nay, họ sẽ được đón cái tết trọn vẹn bên gia đình.
Chuyến xe thượng lộ bình an, đưa chị Chuyền và gia đình về nhà đoàn viên
Chuyến xe Mùa xuân – hy vọng của gia đình chị Chuyền, anh Tranh, chị Chuyên và hàng chục chuyến xe khác nữa chở các gia đình công nhân khó khăn đã thượng lộ bình an.
Chuyến xe đã tới đích nhưng một hành trình mới nữa sẽ mở ra. Hy vọng rằng những chuyến xe mang đầy ắp niềm vui này sẽ tiếp thêm động lực để các cô chú, anh chị công nhân quay trở lại làm việc năng động hơn, sáng tạo hơn và có một năm mới nhiều hy vọng, nhiều may mắn phía trước.
Nguồn: thanhnien.vn