Rồng mang nhiều hình dạng khác nhau trong văn hóa phương Đông và phương Tây, phản ánh những nét đặc trưng riêng biệt của từng vùng văn hóa và cũng nhiều lần đi vào thơ ca, thần thoại, phim ảnh. Năm con rồng, hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt về biểu tượng của loài sinh vật kỳ bí này trong văn hóa Đông – Tây.
Rồng là hình tượng rất phổ biến trong văn hóa Đông Á. Con rồng, trong tiếng Hoa gọi là long, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong truyền thống Trung Quốc và thường được miêu tả với thân hình rắn chắc, dài cuồn cuộn, không có cánh và được mang một số đặc điểm của các loài động vật khác như cá chép, hổ và đại bàng.
Rồng được coi là biểu tượng thiêng liêng của sự may mắn, quyền lực và giàu có.
Còn trong văn hóa Việt, rồng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Rồng được người Việt xem như biểu tượng của quyền lực với sức mạnh siêu nhiên, có khả năng hô mưa gọi gió. Hình tượng rồng rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”.
Ngược lại với phương Đông, rồng phương Tây được gắn với hình tượng quyền lực nhưng đáng sợ, thường được miêu tả là một loài bò sát to lớn, thở ra lửa với đôi cánh giống dơi, móng vuốt sắc nhọn và bản tính hủy diệt. Trong những mẩu chuyện thần thoại, chúng thường tượng trưng cho sự hỗn loạn và cái ác, đại diện cho một thế lực đen tối.
Năm 2024 tính theo sự kết hợp của thiên can và địa chi, là năm Giáp Thìn nên hình ảnh linh vật rồng lại được các nghệ nhân tại Việt Nam đầu tư sức sáng tạo. Mỗi con rồng ở mỗi địa phương lại mang những dáng vẻ, thần thái khác nhau và thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau từ cây xanh, gốm sứ, thạch cao cho đến… mút xốp…
Tuy nhiên, khó để xác định đâu là nguyên mẫu của rồng để phân định được linh vật nào là đẹp hoặc giống rồng nhất, bởi đến hiện tại, sự tồn tại và nguồn gốc của sinh vật này vẫn đang là một bí ẩn lớn.
Nguồn: thanhnien.vn