Việt Nam cần luật riêng với những ưu đãi giúp thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.
Đó là chia sẻ của ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) với Diễn đàn Doanh nghiệp trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Ông nhận định thế nào về tình hình sản xuất kinh doanh năm qua, và các nhà đầu tư Hàn Quốc kỳ vọng thế nào về triển vọng đầu tư kinh doanh năm 2024?
Trong suốt 30 năm đầu tư vào Việt Nam thì năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, chúng tôi đã thấy những dấu hiệu hồi phục trở lại từ kinh tế toàn cầu, có thể dẫn đến triển vọng sáng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc với hơn 10.000 dự án, trong đó hơn 85% tập trung vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Đáng lưu ý, 2023 là năm đầu tiên Việt Nam – Hàn Quốc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân mang nhiều dấu ấn đặc biệt, tạo cơ hội, niềm tin cho các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm mở rộng đầu tư, đầu tư mới tại Việt Nam.
Từ góc độ của mình, các doanh nghiệp Hàn Quốc có đề xuất gì về cơ chế, chính sách để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thưa ông?
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư của Việt Nam tương đối hấp dẫn nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện ở một số lĩnh vực.
Ví dụ như Việt Nam hiện chưa có chế độ thẻ thường trú. Nhiều quốc gia hiện đã cho phép cấp thẻ thường trú với nhà đầu tư và người liên quan để yên tâm hoạt động lâu dài, góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế, đóng góp thuế… Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn quy định visa hoặc thẻ tạm trú tối đa 5 năm, yêu cầu đáp ứng nhiều điều kiện phức tạp.
Bên cạnh đó, thẻ tạm trú cũng là căn cứ để cấp nhiều loại thẻ khác như thẻ ngân hàng, bằng lái xe,… Do đó, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nên có sự cân nhắc xem xét lại về những chế độ visa và thẻ tạm trú dài hạn, thậm chí thẻ thường trú với các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư lâu dài.
Vậy ông có kiến nghị gì để tăng cường thu hút thêm FDI, đặc biệt với các lĩnh vực mới trong bối cảnh Việt Nam đang trú trọng tới những động lực tăng trưởng kinh tế mới, thưa ông?
Từ cuối năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết áp dụng Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các chế độ ưu đãi đầu tư, như miễn thuế, giảm thuế vốn là điểm hấp dẫn của Việt Nam từ trước tới nay.
Hàn Quốc đang có hàng trăm doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này, trung bình sẽ là mức 7-8% đối với các doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, chúng tôi hiện chưa thấy có Nghị định quy định cụ thể để “bù” lại cho các phần Chính phủ đã từng cam kết khi cấp phép đối với các nhà đầu tư lớn. Việt Nam cũng nên tham khảo chính sách ưu đãi từ các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để hỗ trợ cho các nhà đầu tư.
Hiện, Việt Nam có cơ hội và điều kiện tốt để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chất bán dẫn, công nghệ cao. Đây cũng là những lĩnh vực Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư. Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chất bán dẫn ở Việt Nam cũng đều là các dự án hàng chục tỷ USD. Như Samsung hiện đã dự kiến suất đầu tư vào nhà máy bán dẫn hơn 20 tỷ USD trong bối cảnh vật giá đang lên. Tôi thấy chưa có doanh nghiệp nào đầu tư một dự án mức “khổng lồ” như vậy. Trong khi đó, dự án lớn như vậy là rất rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu cải cách hành chính, đồng thời nghiên cứu các Bộ Luật liên quan để tăng cường thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần Bộ Luật riêng cho lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn. Nếu chưa có sự đảm bảo về khuôn khổ pháp luật và sự hỗ trợ chưa đủ chắc chắn thì nhà đầu tư sẽ không dám đầu tư. Chính phủ Việt Nam muốn thu hút đầu tư lĩnh vực chất bán dẫn thì cần hỗ trợ nhất định và cam kết không thay đổi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn