Mới đây, những người quen thuộc với vấn đề này nói với tờ Business Times của Singapore rằng cả hai bên đều không thể tìm thấy tiếng nói chung. Họ nói thêm rằng cái giá mà Delivery Hero đưa ra là “quá cao” trong bối cảnh mục tiêu hiện tại của Grab là tìm kiếm lợi nhuận.

Thương vụ “bán mình” của Foodpanda có nguy cơ đổ bể?

Grab và Delivery Hero chưa tìm thấy tiếng nói chung cho thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh Foodpanda ở Đông Nam Á. 

Tin tức về thương vụ này lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng khi tạp chí kinh doanh Wirtschaftswoche của Đức đưa tin vào tháng 9 năm 2023 rằng Grab là người mua tiềm năng và gã khổng lồ giao đồ ăn này có thể chi hơn một tỷ euro để mua lại nền tảng giao hàng tạp hóa và thực phẩm trực tuyến ở thị trường bảy nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Delivery Hero sau đó tuyên bố rằng giá trị của thỏa thuận vẫn chưa được xác nhận.

Năm 2019, gã khổng lồ giao đồ ăn của Đức, Delivery Hero đã mua lại nền tảng Woowa Brothers của Hàn Quốc, công ty sở hữu ứng dụng giao đồ ăn Baemin với giá 4 tỷ USD. Đây được xem là một trong những thương vụ lớn nhất toàn cầu trên thị trường ứng dụng giao đồ ăn.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm hoạt động, Baemin đã rút khỏi thị trường giao đồ Việt Nam vào năm ngoái, cùng khoảng thời gian đó gã khổng lồ giao đồ ăn của Đức đã từng đàm phán bán mảng kinh doanh Foodpanda Thái Lan cho Line Man, bán một phần mảng kinh doanh tại Châu Á cho Grab, đàm phán bán Foodpanda khu vực Đông Nam Á cho Meituan, nhưng các thương vụ đều bất thành.

Có vẻ Delivery Hero đang nỗ lực thoái vốn khỏi thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á bằng mọi giá, nơi mà công ty nhận định rằng “ít sinh lời”.

Ở thời điểm hiện tại, Foodpanda với 3 cuộc “bán mình” bất thành, đã bị giảm thị phần ở hầu hết các thị trường. Tại Thái Lan, thị phần ứng dụng giao đồ ăn này giảm từ 16% năm 2022 còn 8% trong năm 2023. Các thị trường khác như Malaysia giảm từ 38% xuống 30%, Singapore giảm từ 31% còn 28%, Philippines giảm từ 40% xuống 39%.

Foodpanda đang hoạt động tại bảy thị trường Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều tay chơi chủ chốt trên thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á đang hướng tới mục tiêu lợi nhuận bền vững, còn Delivery Hero lại cố gắng tìm cách thoái vốn. Hãng nghiên cứ thị trường Momentum Works nhận định rất có thể sẽ có thêm cuộc hợp nhất trên thị trường này.

Thương vụ “bán mình” của Foodpanda có nguy cơ đổ bể?

Trước đó, ứng dụng Baemin của Delivery Hero đã rút khỏi thị trường giao đồ Việt Nam vào năm ngoái.

Lịch sử khu vực đã từng chứng kiến cuộc sáp nhập rầm rộ giữa Uber và Grab trước đây. Khi thị trường bị phân mảnh và các bên tham gia vào một cuộc cạnh tranh gay gắt, việc ai “bạo chi” hơn người đó sẽ là bá chủ. Bởi một lúc nào đó, đối thủ gặp phải khó khăn và buộc phải bán doanh nghiệp của mình. Đây cũng chính là cách Uber rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018, nhường lại thị phần cho Grab.

Tuy nhiên, việc mua bán này có thể làm dấy lên mối lo ngại về sự độc quyền của Grab trong lĩnh vực giao đồ ăn tại khu vực Đông Nam Á. Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) đã kêu gọi điều tra vấn đề.

Nhà kinh tế học của Viện nghiên cứu kinh tế Malaysia, Tiến sĩ Shankaran Nambiar, nói với Business Times gần đây rằng việc bán cho Grab là vấn đề mà MyCC đang cân nhắc và có nguy cơ Grab sẽ đạt được sự độc quyền quá mức thông qua việc mua lại như vậy.

“Nếu Grab không giảm cạnh tranh, tăng rào cản gia nhập và tăng giá bằng mọi cách thì Grab không chịu trách nhiệm về việc lạm dụng vị thế của mình. Chúng tôi có chính sách cạnh tranh và luật cạnh tranh”, ông nói thêm.