Wednesday, November 27, 2024

Bài hát “Xuân chiến khu” – Còn đó lâng lâng một ước vọng thanh bình

“Xuân chiến khu” bài hát giản dị và hồn nhiên như một giấc mộng thanh bình, như mai vàng chợt nở. Có cái gì đó trong trẻo và mộc mạc trong cả lời ca và âm nhạc.

“Xuân chiến khu” – bài hát ra đời thế mà đã 60 năm. Và hôm nay danh từ “chiến khu” có thể đã là một cái gì đó xưa, cũ và khó hình dung đối với các bạn trẻ, nhưng âm hưởng của cái mùa xuân về trong chiến khu lâng lâng đầy mộng ước hoà bình ấy sẽ còn mãi. Vì nó hồn hậu một khát vọng nhân bản- khát vọng của những con người làm chiến tranh bởi chỉ muốn được sống trong bình yên và hạnh phúc.

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết “Xuân chiến khu” năm 1963 trên mảnh đất Miền Đông Nam Bộ, một chiến khu của hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Bài hát tràn đầy niềm tươi vui, lạc quan tin tưởng như không còn những hy sinh, gian khổ, tưởng chừng như đã tắt đi lửa chiến tranh.

“Xuân chiến khu” do ca sĩ Thanh Thúy trình bày

Nhạc sĩ kể rằng: “Sau khi thức trắng đêm để “đánh bóng mạ kền” tác phẩm, ăn sáng xong, tôi “lôi” sáu cô ra sân bóng chuyền của đơn vị để tập. Nói chung chị em rất phấn khởi, một là có được tiết mục mới, hai là chính bài hát đã làm cho mọi người thích thú, do vậy họ cố gắng tập và rất mau thuộc. Chỉ trong buổi sáng hôm ấy các cô đã thuộc lòng lời ca và hát tương đối đúng giọng, đúng nhịp.

Xuân chiến khu, khói mù còn loang quê nhà

Em chẳng có chi làm quà, có chi hơn là…

Hát tặng bài ca.

Và…

Đất nước ta bốn mùa là xuân hoa nở

Quyết lòng dựng xây nước nhà

Toàn dân ta hát một bài ca.

Tốp nữ cúi chào như thường lệ, tràng pháo tay kéo dài không dứt (lúc ấy tôi đệm đàn măngđôlin). Sau khi ra hát lại lần thứ hai, tốp nữ mặt mày rạng rỡ tươi cười chào khán giả, phấn khởi vì sự thành công. Một bài hát mới ra lò, biểu diễn lần đầu tiên nhưng đã được “bitxê” quả là phần thưởng tinh thần đối với tác giả cũng như diễn viên”.

Có thể thấy ngay sau khi ra đời, bài hát “Xuân chiến khu” đã có một chỗ đứng trong trái tim của những người con của chiến khu Nam Bộ như một sự động viên và cổ vũ lớn. Nhưng phải mãi tới 5 năm sau đó, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thính giả của hai miền mới lần đầu tiên được thưởng thức cái “Mùa xuân về trong chiến khu” Nam Bộ ấy của Xuân Hồng qua giọng hát nghệ sĩ Thanh Huyền.

Mùa xuân về trong chiến khu

Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi

Mùa xuân về trong chiến khu

Gió đưa cây rừng cành lá vi vu u ú u

Chim hót mừng mùa xuân thắng lợi…

“Xuân chiến khu” bài hát giản dị và hồn nhiên như một giấc mộng thanh bình, như mai vàng chợt nở. Có cái gì đó trong trẻo và mộc mạc trong cả lời ca và âm nhạc. Một sự trong trẻo đến ngỡ ngàng và mộc mạc đến cảm động. Có lẽ đó cũng là cái chất âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Hồng. Một chất nhạc mang hơi dân ca của nhiều miền vì nó đượm một lối cảm thụ và diễn đạt dân tộc. Phải chăng đó cũng là điều làm “Xuân chiến khu” của ông dù được trình tấu dưới hình thức đơn ca, tốp ca hay nhạc không lời…. cũng đều hay.

Bạn Nguyễn Thị Nhung, giáo viên trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk trong bài viết tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” tháng 1/2000 về bài hát “Xuân chiến khu” đã viết: “Lịch sử đất nước ta trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đầy tự hào với niềm hãnh diện, lạc quan…Thời gian cứ dần trôi theo quy luật, Việt Nam chúng ta càng thêm bề dầy về truyền thống kiên cường bất khuất, đấu tranh đưa đất nước ta đến ngày thống nhất, phồn vinh. Nhìn lại chặng đường đầy gian truân và cũng đầy tự hào đó chúng ta không quên những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập hôm nay…Góp phần cho những chiến công đó chúng ta phải kể tới các nhạc sĩ, các ca sĩ đã đem tác phẩm, lời ca tiếng hát của mình tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ độc lập tự do, trong đó có bài hát “Xuân chiến khu”của nhạc sĩ Xuân Hồng

Mở đầu ca khúc, giọng hát Ái Xuân với chất giọng khỏe, đằm thắm, vút lên giai điệu hòa cùng các chiến sĩ đón xuân nơi chiến khu đầy gian lao; gửi đến các anh, cùng hát với các anh. Dù ở nơi nào các anh vẫn luôn nhận được sự cổ vũ động viên của đồng bào mình. Tổ quốc luôn gửi gắm và đặt niềm tin nơi các anh: “Mai ngày xuân về hoa nở khắp rừng/Chào anh thêm một tuổi đời/Mừng anh them một tuổi quân, thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong…”. Với chất nhạc dàn trải, trữ tình mang đậm âm hưởng dân ca, lời ca dạt dào thắm đượm nghĩa tình của người ở hậu phương với người chiến sĩ nơi tiền tuyến-nhạc sĩ Xuân Hồng, cùng các ca sĩ trong đó có ca sĩ Ái Xuân đã tiếp thêm nhiệt huyết, sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ thân yêu của chúng ta tình yêu quê hương đất nước “Xuân chiến khu” – mùa xuân tràn ngời sắc xuân Việt Nam. Là mùa xuân vĩnh hằng trong mỗi người dân Việt Nam. Cũng như “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng, mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img