Thông thường, nguồn thu chính của các chuỗi cà phê là việc bán cà phê, cũng như đồ ăn và các thứ khác. Tuy nhiên, với gã khổng lồ Starbucks thì họ còn có một cách kiếm tiền khá thú vị.
Với nhiều người, Starbucks là cái tên đồng nghĩa với cà phê. Đây là công ty dẫn đầu trong việc phân bổ, tiếp thị và bán lẻ cà phê trên thế giới. Starbucks là một ví dụ hoàn hảo về một doanh nghiệp liên tục ghi chép lại kinh nghiệm và sau đó sử dụng kiến thức đó để liên tục thúc đẩy sự đổi mới trong các sản phẩm, quy trình kinh doanh và dịch vụ của mình.
Hơn nữa, họ đã có thể sớm xác định được vai trò quan trọng của công nghệ trong kinh doanh bán lẻ và tận dụng nó bằng cách tung ra và liên tục đổi mới ứng dụng di động cực kỳ phổ biến của mình.
Starbucks được thành lập vào năm 1971 bởi Jerry Baldwin, Gordon Bowker và Zev Siegl. Giống như hầu hết các thương hiệu, ban đầu nó mở ra như một quán cà phê nhỏ ở Chợ Pike Place của Seattle, Mỹ.
Những người sáng lập ban đầu đã bán nó cho Howard Schultz vào năm 1982, người đã tham gia với tư cách là Giám đốc Tiếp thị và Hoạt động Bán lẻ. Sau khi đến thăm Ý vào năm 1983, Schultz quyết định chuyển cửa hàng thành quán cà phê phục vụ đồ uống làm từ cà phê espresso. Đây là sự ra đời của Starbucks như chúng ta biết ngày nay.
Hiện tại, gã khổng lồ cà phê không chỉ bán cà phê mà còn cả trà, đồ uống khác và một loạt mặt hàng thực phẩm khác thông qua các cửa hàng do công ty điều hành. Ngoài thương hiệu cà phê hàng đầu của mình, Starbucks còn bán hàng hóa và dịch vụ dưới nhiều thương hiệu bao gồm Ethos, Seattle’s Best Coffee, Starbucks Reserve và Teavana.
Tuy nhiên, một bước đi chiến lược nhất của Starbucks là việc ra mắt ứng dụng di động vào năm 2009, giúp khách hàng tương tác với doanh nghiệp dễ dàng hơn. Chuỗi đồ uống này đã giới thiệu ứng dụng thanh toán của riêng mình vào năm 2011. Ngày nay, ứng dụng di động của nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra cơ hội kinh doanh và bán hàng cho chính Starbucks.
Theo một số thống kê, ứng dụng thanh toán di động Starbucks là ứng dụng thanh toán phổ biến nhất ngay cả trước khi các ứng dụng thanh toán di động như Apple Pay và Google Pay ra đời. Thậm chí ngày nay, ứng dụng di động Starbucks vẫn là ứng dụng thanh toán di động phổ biến thứ 6 ở Mỹ với hơn 30 triệu người dùng và đó cũng là nơi mà Starbucks có thể kiếm được rất nhiều tiền.
Đối với những người chưa biết, Thẻ Starbucks là một ứng dụng cho phép người dùng lưu trữ số tiền có thể được sử dụng để thanh toán cà phê, đồ ăn, thức uống tại các cửa hàng thuộc chuỗi Starbucks. Người dùng sẽ nhận được thêm điểm thưởng nếu thanh toán bằng thẻ của mình. Càng có nhiều điểm, càng nhận được nhiều đồ uống miễn phí. Người ta ước tính rằng 41% người dân ở Mỹ và Canada sử dụng Thẻ Starbucks để thanh toán cà phê của họ.
Vậy, Starbucks có thể kiếm tiền từ thẻ Starbucks bằng cách nào. Trên thực tế thì có hai cách họ kiếm được nhiều tiền từ thẻ này.
Thứ nhất là họ đầu tư số tiền người ta bỏ vào thẻ, với việc người dùng khi đã mở Thẻ Starbucks thì số tiền bỏ vào sẽ không được lấy ra mà chỉ có thể dùng vào việc mua cà phê. Vì vậy, Starbucks có thể sử dụng số tiền này để làm bất cứ điều gì họ muốn, điều này có nghĩa là họ có thể đầu tư số tiền này và kiếm được lợi nhuận trước khi số tiền đó được chi cho cà phê.
Hiện tại, theo một ước tính sơ bộ có khoảng hơn 1,6 tỷ USD tiền trong thẻ của Starbucks trên khắp thế giới. Đây là số tiền có thể sẽ nhiều hơn một số ngân hàng trên thế giới.
Giả sử Starbucks đầu tư số tiền này (trước khi người tiêu dùng chi tiêu) và nhận được lợi nhuận 3% mỗi năm, tức là 48 triệu USD mỗi năm họ kiếm được từ những người sử dụng Thẻ Starbucks. Điều này tương tự như cách các ngân hàng kiếm tiền, vì các ngân hàng sử dụng tiền trong tài khoản tiết kiệm của chúng ta để đầu tư (hoặc cho vay) nhằm tạo ra doanh thu.
Và mỗi khi Starbucks mở thêm cửa hàng, việc sử dụng số tiền từ thẻ của họ lại tăng lên. Điều này sẽ làm tăng số lượng người sử dụng Thẻ Starbucks và họ thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn.
Cách thứ hai mà Starbucks có thể kiếm được tiền từ ứng dụng di động của mình là việc có rất nhiều người quên rằng họ có tiền trong thẻ và sẽ không bao giờ sử dụng nó. Giả sử, mỗi năm có khoảng 10% số tiền trong thẻ Starbucks sẽ không được chi cho cà phê. Điều này có nghĩa là Starbucks sẽ giữ 10% trong số 1,6 tỷ USD hiện có trong thẻ Starbucks. Và đó sẽ là một con số rất lớn lên tới 160 triệu USD mỗi năm “tiền miễn phí” từ những thẻ này.
Rõ ràng, với hai cách kiếm tiền trên, Starbucks về cơ bản một phần là quán cà phê và phần nào đó đã trở thành ngân hàng một cách rất kín.
Nhìn chung, Starbucks là một doanh nghiệp đã tạo dựng được thị trường cho riêng mình. Với sự hiện diện mạnh mẽ tại gần 100 quốc gia, đây là một trong số ít doanh nghiệp đạt được thành tích đáng nể này. Thành công toàn cầu chưa từng có của nó, với sự đóng góp đáng kể nhờ việc nhận diện sớm cuộc cách mạng điện thoại thông minh và tận dụng nó một cách hợp lý, đã là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn