Kinh doanh hàng trả: Mô hình mới thời thương mại điện tử

Một “cửa hàng thùng rác” ở Mỹ

Sở dĩ có cái tên “cửa hàng thùng rác” bởi những hàng hóa bày bán trong đây thường là hàng thanh lý, hàng bị hoàn trả. 

Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, trong năm 2022 người Mỹ trả lại số lượng hàng hóa trị giá đến 816 tỷ USD. Thế nhưng với sự xuất hiện của những “cửa hàng thùng rác”, các món hàng bị trả này có cơ hội được mua lại và tiếp tục vòng đời của mình. Chúng rất đa dạng thể loại, từ đồ chơi bằng nhựa, khẩu trang, cho đến đồ dùng điện hoặc thậm chí cả iPad. Giá cũng dao động mạnh, cao nhất vào thời điểm ngay sau khi kiện hàng đến cửa hàng, thường ở mức khoảng 10 USD, sau đó giảm dần vào các ngày tiếp theo.

Câu chuyện về những người bán hàng thanh lý như nghề tay trái đã khiến các “cửa hàng thùng rác” trở nên phổ biến, là nơi lý tưởng để mọi người “săn tìm kho báu”. Rất nhiều chủ nhân các cửa hàng thùng rác thường xuyên đăng tải video giới thiệu hàng mới trên TikTok hoặc Instagram để thu hút khách hàng.

Stelian Gherman, chủ nhân của cửa hàng BinCredible Deal (Georgia), cho biết việc điều hành một cửa hàng bán đồ thanh lý rất lộn xộn và đầy thử thách. Gherman cho rằng xu hướng cửa hàng thùng rác chỉ mới bắt đầu. Còn Subhi Khalil, người điều hành “cửa hàng thùng rác” Unbox (New York) cho rằng ngày càng nhiều người mở cửa hàng thùng rác và khiến việc kinh doanh trở nên cạnh tranh hơn.

Hàng “thùng rác”

Các chủ cửa hàng thường đăng video hàng hóa lên mạng xã hội như TikTok hay Instagram để người mua sắm tranh thủ xem trước nhằm tìm các món hàng phù hợp với nhu cầu trước khi đến cửa hàng. Vào thời gian cao điểm, thường là một vài ngày ngay sau đợt khuyến mãi lớn của các sàn thương mại điện tử, mới chỉ 8 giờ sáng mà người mua sắm có thể đã xếp hàng dài bên ngoài “cửa hàng thùng rác”. Nhiều người xếp hàng từ sớm để có thể nhanh tay “nhặt” được món đồ mình cần với giá siêu rẻ. 

Nếu sau đợt Black Friday, một chiếc đèn máy tính Govee giá gốc 60 USD có thể xuất hiện ở “cửa hàng thùng rác” với giá chỉ 10 USD, hay một chiếc TV thông minh Samsung có giá chỉ 34 USD. Cần lưu ý là, tuy bị gọi là “hàng thùng rác” nhưng những đồ giá siêu hời này đều là đồ mới, là đồ do khách mua nhưng trả lại chứ không phải đồ cũ. Chính vì thế, một số khách hàng cho biết cảm giác mua sắm này gây nghiện không khác gì đi đánh bạc vì bản chất việc mua hời này phụ thuộc rất nhiều vào may mắn.

Còn về phía người bán? Tờ CNBC có bài về một cặp đôi, Jamie và Sarah McCauley chuyên kinh doanh “hàng thùng rác”. Cặp vợ chồng này bắt đầu mua đi bán lại những lô hàng bị hoàn trả của các chuỗi siêu thị hay nền tảng thương mại điện tử như Target, Walmart và Amazon.

Công việc này không quá phức tạp. Họ đi tới nhà kho ở địa phương, hỏi mua lại những thùng hàng bị trả lại với giá trung bình 550 USD/thùng và đăng bán riêng lẻ từng sản phẩm trong đó. Tính đến tháng 12-2022, ước tính hai vợ chồng đã chi tổng cộng khoảng 7.150 USD mua hàng “bom” và thu về khoản lời lên tới 19.500 USD.

“Hàng bom”

Kinh doanh hàng trả: Mô hình mới thời thương mại điện tử

Hàng đặt mua nhưng không nhận gọi là “hàng bom”

Nếu như ở Mỹ gọi là “hàng thùng rác” thì mô hình tương tự ở Việt Nam được gọi là “hàng bom”. Ở Việt Nam, khi khách đặt mua hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada nhưng lúc hàng chuyển tới lại từ chối không nhận hàng, không trả tiền thì hàng bị hoàn trả lại và mất giá trị. Hành động từ chối đó gọi là “bom hàng” và hàng đó gọi là “hàng bom”.

Các đơn hàng sẽ được tập trung tại một kho phân loại cuối cùng để thuận tiện cho việc đóng gói theo từng lô. Chủ sàn như kiểu Shopee sẽ tiến hành đóng gói và cung cấp những sản phẩm này với giá rẻ đến cho những người có nhu cầu, sau đó họ lại mua đi bán lại tiếp. Và người có nhu cầu có vẻ cũng khá nhiều.

Những kiện hàng boom đều được đăng trên các kênh TikTok, Youtube hoặc Facebook. Các kiện hàng bom thường có nhiều loại và mức giá cũng vô cùng đa dạng. Từ 100k, 300k, 500k đến hơn 1 triệu hay thậm chí là hơn 2 triệu. Và mua bán hàng bom cũng phụ thuộc rất nhiều vào may rủi. Cũng giống như “hàng rác”, có đôi lúc “vớ” được hàng tốt giá hời, nhưng nhiều lúc là những món hàng lặt vặt giá trị thấp và ít tính hữu dụng.

Trang fool.com có bài cảnh báo dù đây có vẻ là nghề tay trái “ngon ăn”, nhưng có thể sẽ không tạo ra đủ lợi nhuận để một người bỏ hẳn công việc cố định hằng ngày. Thực tế, mọi thứ không hề đơn giản và nhẹ nhàng như những gì thấy trên mạng. Trang này khuyên bạn đọc đừng mong làm giàu từ việc kinh doanh kiện hàng “bom” theo kiểu đầu tư lướt sóng như vậy vì mô hình kinh doanh kiểu này phụ thuộc rất nhiều vào may rủi, giống như một canh bạc vậy.